Siêu cũng từng qua nơi này, từng cho ngựa uống nước bên sông Khổng
Tước vì vậy con sông này còn có một cái tên khác là sông Ẩm Mã. Sông
Khổng Tước bắt nguồn từ hồ Busten, kết thúc ở hồ Lop Lake, và không nối
với bất cứ nhánh sông nào khác. Dòng sông kỳ lạ này là cái nôi sản sinh ra
nền văn minh nghìn năm: văn minh Kroraina (Lâu Lan).
Vào thời đại của Rajiva, Kroraina đã suy tàn. Khoảng chục năm sau, khi
Pháp Hiển – vị cao tăng thời Đông Tấn trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh,
ngang qua đây, chỉ thấy “trên trời không cánh chim bay, dưới đất không
loài động vật, chỉ có xương trắng dẫn đường chỉ lối”. Tôi hỏi Rajiva, chàng
lắc đầu thở dài. Hồi nhỏ chàng được nghe kể, dòng chảy đổi hướng nên
lượng nước dần khan hiếm, muối và khoáng chất tích tụ. Khí hậu thất
thường khiến ôn dịch hoành hành, quá nửa dân số bị chết. Những người
còn sống, buộc phải di cư. Quốc gia cổ đại Kroraina trải ngàn năm lịch sử
đã tan biến trong biến cố hỗn mang… Chúng tôi hướng lên phía Bắc để tới
Yanqi, dọc đường đi là sông Khổng Tước nước xanh trong như một dải lụa
ngọc, hoàn toàn không thể nhìn thấy vùng hạ du của con sông. Cách chỗ
này vài trăm ki lô mét sẽ là thành cổ Kroraina đã bị vùi sâu trong biển cát
trắng mênh mông. Vào thời gian này, ngoài Thiết Môn Quan, nơi đây
không hề có bất cứ thành phố sầm uất nào. Nhưng đến thế kỷ XXI, nơi đây
biến thành Korla, một thành phố công nghiệp được xây dựng nhằm phục vụ
cho việc khai thác dầu khí ở Tarim.
Khi chỉ còn cách Hoàng thành Yanqi chưa đầy trăm dặm, trong bóng
chiều nhá nhem, đoàn chúng tôi tiến vào một hẻm núi hiểm trở, Lữ Quang
hạ lệnh dựng trại nghỉ ngơi. Ngắm nhìn mọi người hối hả dựng trại chuẩn
bị, tôi bàng hoàng nhận ra, một thảm kịch sắp xảy ra ở đây…