gia vị. Tuy không ngon miệng nhưng có thể no bụng. Mục tiêu của tôi là
không để ai phải chết đói.
Nhưng tôi lo lắng không biết chúng tôi phải dùng tiền của mình để chống
đỡ đến khi nào. Mùa đông đang đến gần, dân chạy nạn ngày một đông, tính
sơ sơ cũng phải hàng vạn người. Cũng may Rajiva đã thuyết phục được
một số quan chức quyên góp ủng hộ, tuy không được nhiều, nhưng cũng
giúp cầm cự được một thời gian. Có điều, đến nay vẫn chưa có một “Mạnh
Thường Quân” tiền của dồi dào nào chịu đứng ra chống đỡ. Tôi nghĩ tới
một người. Sau khi bàn bạc với Rajiva, tôi đã xuất hiện trước cổng dinh cơ
bề thế nhất thành Guzang.
Trên tường nhà treo những bức tranh thuỷ mặc vẽ cảnh sơn thuỷ hữu
tình, một tấm bình phong độc đáo, bàn ghế chạm khắc tinh xảo, phòng
khách được sắp đặt và trưng bày rất mực tinh tế, trang nhã, quả không hổ
danh là gia đình phú hộ số một ở Lương Chân. Điều khiến tôi chú ý chính
là bộ bàn ghế của gia đình này. Nếp sống của con người thời đại này cũng
giống thời Hán, thường ngồi xếp bằng trên chiếu. Nhưng Lương Châu nằm
ở mạn Tây Bắc của Trung Nguyên, chịu ảnh hưởng của văn hoá Tây vực,
nên nơi đây bắt đầu lưu hành các đồ dùng có chân cao như bàn, ghế tựa,
ghế băng.
Tôi đang mải quan sát bằng con mắt nhà nghề thì một người đàn ông
trung niên dáng vẻ nho nhã bước vào, ánh mắt sắc bén quét qua tôi, lịch
thiệp cúi chào:
- Tại hạ chính là Lý Cảo, phu nhân đây hẳn là vợ của đại pháp sư lừng
danh Tây vực – Kumarajiva? Không biết phu nhân tìm ta có việc gì?
Giọng nói thâm trầm, trang phục kiểu cách, bộ ria tỉa tót khá cầu kỳ.
Gương mặt sáng sủa, chính trực, cử chỉ lời nói nho nhã, lịch duyệt. Người
đàn ông này cũng đang ở độ tuổi của Rajiava, cơ thể săn chắc vạm vỡ, có
thể thấy, anh ta rất chăm chỉ tập luyện võ nghệ.