chiếc lá, dường như đã không còn sức để khóc nữa. Tôi vội đưa mắt kiếm
tìm và thấy trong đám nạn dân đang bị lùa ra ngoài thành, một người phụ
nữ trẻ, ngoái đầu lại nhìn tôi, gào khóc:
- Xin phu nhân mở lượng hải hà, cứu lấy “cún con”[1] nhà tôi.
[1] Tên gọi thân mật ở nhà của trẻ em.
Tôi ôm đứa bé, đuổi theo người phụ nữ:
- Được, tôi sẽ nuôi cháu giúp chị. Tôi sống ở con phố chính gần cổng
phía Tây, chị cứ hỏi nhà của pháp sư Kumarajiva. Người phụ nữ chỉ biết
khóc lóc, nhìn đứa bé lưu luyến. Tôi bị ngăn lại trước cổng thành, đành với
ra hỏi lớn:
- Chị tên là gì? Khi nào cổng thành được mở, tôi sẽ đến tìm chị.
- Tôi tên Tần Tố Nga, chồng tôi đã xung quân, tên là Ngụy Trường Hỷ.
Chúng tôi là người Liễu Viên ở Đôn Hoàng.
Đó là những gắng gượng sau cùng của người phụ nữ. Chị nhìn con lần
cuối, những tiếng gào thét cuối cùng lọt qua khe cổng tối tăm. Tôi kiễng
chân, gắng đón lấy lời chị:
- Nếu tôi và cha “cún con” đều chết cả, xin phu nhân với pháp sư hãy
nhận nuôi con tôi…
Cổng thành rầm rầm đóng lại, cắt đứt lời nói của người phụ nữ. Bên
ngoài, tiếng kêu khóc thảm thiết bắt đầu dậy lên, vượt qua bức tường cao
dày, xuyên vào màng nhĩ tôi. Đứa bé bị đánh thức, hai mắt mở to, khe khẽ
khóc. Hai cánh tay nhỏ xíu chới với trong không trung, bắt được mấy sợi
tóc lòa xòa của tôi, liền đút vào trong miệng, cái miệng nhỏ xinh như phát
ra một tiếng kêu mơ hồ: đói…