chạy nạn kia, tôi chỉ lo, lúc đói khát cực độ, người ta sẽ làm những việc mà
bình thường họ không bao giờ làm. Nhưng, số lương thực này cũng chỉ đủ
cung cấp cho ngần ấy con người trong vòng chưa đầy mười ngày, sau đó thì
sao? Còn ít nhất một tháng nữa mới hết mùa đông.
Tôi đã tìm cách rao bán tất cả những gì có thể bán được: sách của Rajiva,
ngọc bội sư tử mà Bạch Chấn ban tặng, chiếc vòng vàng của Hoàng hậu
Khâu Từ. Tôi thậm chí còn định đem những vật dụng thời hiện đại của tôi
ra bán, nhưng Rajiva không đồng ý, vì chàng không muốn thân thế của tôi
bị lộ. Tôi lén đem cuốn sổ ghi tốc ký và bút chì đi bán, nhưng không ai
thèm ngó ngàng đến. Vì có quá nhiều người rao bán tài sản, những đồ đạc
bằng vàng, bằng bạc hữu dụng hơn mấy thứ dụng cụ thủ công tinh xảo kia.
Tôi cười buồn nhìn mấy món đồ của 1650 năm sau, chúng chẳng giúp ích
được gì lúc đói kém.
Dù cho nồi cháo của chúng tôi có loãng đến đâu, mười ngày sau, số
lương thực trong kho vẫn cạn kiệt. Rajiva bắt đầu dẫn theo các đệ tử ra phố
khất thực. Tôi là một người Hán, nên trong quan niệm của tôi, ăn xin tức là
đem lòng tự tôn ném xuống đất và giẫm đạp lên, bởi vậy tôi không thể nuốt
những thực phẩm có được từ việc khất thực.
Rajiva thì khác, chàng nói rằng chàng là Bhikkhu, nghĩa là khất sĩ, khất
sĩ là những người cầu Phật pháp nơi Phật tổ và khất thực chốn nhân
gian[2]. Năm xưa Phật tổ cũng ngày ngày mặc áo cà sa, tay mang bát sành
vào thành Xá Vệ khất thực. Lòng tôi thắt lại khi thấy chàng và các đệ tử
mang số thực phẩm ít ỏi về nhà vào cuối mỗi ngày. Tôi chia thức ăn này
cho những người ốm đau bệnh tật, riêng tôi, không bao giờ đụng đến.
[2] Đức Phật và nàng, tập 1, trang 41.
Nạn dân cũng muốn ra phố xin ăn, nhưng Rajiva ngăn cản. Vì chỉ cần
bước ra khỏi cánh cổng này, họ sẽ bị đuổi ra ngoài thành. Rajiva và các đệ
tử vốn là nhà sư, nên ít nhiều họ vẫn được người ta tôn trọng. Mỗi khi trong