- Cô ăn chút gì đó rồi hãy về.
Giọng nói nhỏ nhẹ, và hình như pha chút dịu dàng, nhưng điều đó càng
khiến tôi lo sợ. Đúng lúc người hầu bưng lên một đĩa thịt dê thì Hô Diên
Bình đến. Tôi cưỡng lại thứ hương vị thơm ngon nhất trần đời ấy bằng toàn
bộ sức lực, kiên quyết đứng lên, xin phép ra về, mặc cho gương mặt của
Mông Tốn bỗng trở nên u ám.
Từ chối đĩa thịt dê ấy không phải vì tôi kiêu kỳ, sĩ diện, mà vì tôi…
không dám. Nếu tỉnh táo, tôi vẫn còn súng gây mê để tự vệ. Nhưng một khi
ăn phải đồ ăn đã bị tẩm thuốc mê chẳng hạn, thì dù có nhảy xuống sông
Hoàng Hà tôi cũng không gột sạch được oan ức. Chỉ e anh ta đã nảy sinh ý
đồ đó. Con người này thật khiến người khác phải khiếp sợ.
Hô Diên Bình đưa tôi về nhà. Trên đường đi, chúng tôi đã bàn bạc và
thống nhất rằng, hàng ngày anh ta sẽ đến nhà Mông Tốn đón tôi và không
được cho Rajiva biết. Rajiva cùng đệ tử cũng trở về ngay sau đó, họ cũng
mang lương thực về. Nhưng điều khiến tôi kinh ngạc không phải số lương
thực mà là vết thương đã khô máu trên tay Rajiva. Tôi vội vã lau rửa sạch
sẽ vết thương cho chàng rồi bôi thuốc trị thương lấy từ nhà Mông Tốn về.
Vết thương này chắc chắn do vật sắc nhọn gây ra. Hỏi chàng, chàng chỉ trả
lời qua loa rằng do không cẩn thận nên bị đứt tay. Mới nói được vài câu,
chàng đã chuyển đề tài sang vết thương trên trán tôi. Tôi bắt chước chàng,
cũng trả lời lấp liếm rằng do bất cẩn nên bị va đập, rồi lại tiếp tục chuyển
hướng câu hỏi sang việc: chàng có được số lương thực đó từ đâu?
Chàng vui vẻ cho tôi biết đó là quà biếu của quan Trung thư giám[2]
Trương Tư. Trương Tư tính tình nho nhã, hiền hòa, chưa bao giờ làm mất
lòng Lữ Quang nên rất được ông ta yêu mến, tin dùng. Nhưng vì sức khỏe
không tốt, nên lần này Lữ Quang không đưa ông ta ra trận cùng. Trương Tư
bệnh tật ốm yếu nhiều ngày, Rajiva tụng kinh giúp ông ta nguôi ngoai,
Trương Tư cảm kích nên đã biếu chàng năm đấu gạo.