Rồi cậu ta quay sang Tuyết Tuyết, ánh mắt lấp lánh sau cặp kính cận dày
cộp, cất giọng nhẹ nhàng:
- Em tên gì?
- Bạch Tuyết Tuyết…
Cô bé lí nhí đáp. Sau khi chạm phải ánh mắt của Chinh Viễn, cô nàng đã
lấy lại vẻ nữ tính, đã biết ngượng ngùng, e lệ cúi đầu xuống.
Chinh Viễn lúc đầu hơi ngỡ ngàng, sau đó thì bật cười ha hả. Một người
kiệm lời như cậu ấy mà cũng có lúc vui vẻ đến vậy. Tôi tủm tỉm nhìn hai
bạn trẻ, rồi quay sang nháy mắt với chú Lý.
Tôi báo cáo việc này lên khoa. Vì tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp, nên
khoa cử tôi tháp tùng Tuyết Tuyết đến trung tâm nghiên cứu. Lúc này đã là
cuối tháng mười, sau tiệc sinh nhật thứ năm của nhóc Rajiva, tôi bắt đầu
bàn giao công việc ở khoa. Đầu tháng mười một, tôi, chú Lý, cậu Chinh
Viễn và cô sinh viên năm hai Tuyết Tuyết cùng đáp chuyến tàu đi về miền
Tây.
Cảm xúc ùa về khi tôi trở lại trung tâm nghiên cứu. Đã mười năm kể từ
ngày “sếp” đưa tôi đến nơi này (năm đó tôi mới hai mươi hai tuổi). Mười
năm qua, cuộc đời tôi đã trải qua bao biến động. Nếu không có nhóc
Rajiva, tôi quả thật không biết, rốt cuộc là mình đang tỉnh hay đang mơ.
Tôi thẫn thờ ngắm nhìn cỗ máy vượt thời gian ở cách mình một lớp kính
thủy tinh, nước mắt cứ thế tuôn trào. Ước gì tôi lại được bước lên cỗ máy
ấy, để vượt qua cách trở thời gian và không gian, trở về gặp lại người chồng
mà tôi ngày đêm thương nhớ. Chinh Viễn đứng bên tôi, thở dài, kéo tay tôi
rời khỏi căn phòng ấy.
Khi biết tin mình đã vượt qua kì kiểm tra sức khỏe, Tuyết Tuyết ôm
chầm lấy Chinh Viễn, nhảy cẫng lên vì sung sướng, khiến cậu ta đỏ mặt vì
ngượng. Cuộc thí nghiệm sẽ được tiến hành sau ba tháng nữa, vì vậy, nhóm