nghiên cứu đã yêu cầu Tuyết Tuyết thực hiện công tác chuẩn bị: học sử
dụng thành thạo các dụng cụ thủ công, học vẽ tranh, phác họa hình ảnh,
luyện tập sức khỏe và học võ. Tôi phụ trách bổ túc một cách chi tiết và toàn
diện kiến thức lịch sử cho em, mỗi ngày lên lớp hai giờ đồng hồ.
Tôi không lạ lẫm với cuộc sống ở trung tâm nghiên cứu, có điều, tôi quá
nhớ nhóc Rajiva. Mỗi ngày gọi điện về nhà, cứ nghe thấy giọng nói lảnh lót
của con là lại không cầm được nước mắt. Tôi bàn bạc với chú Lý và chú đã
đồng ý để bố mẹ tôi đưa nhóc Rajiva đến đây sống cùng tôi. Trở lại nơi đã
sinh ra mình, nhóc Rajiva được đón tiếp nhiệt liệt, hầu hết mọi người trong
trung tâm nghiên cứu đều đến đón bé để được ôm bé một cái. Điều đặc biệt
là, bé nhớ tên của từng chú, từng bác, từng cô, từng chị, không sai một ai,
giọng ngọt lịm như mía lùi. Ai nấy đều tươi cười hoan hỉ, đều đòi thơm bé,
đồ chơi và đồ ăn vặt của bé chất đầy căn phòng nhỏ. Bé vẫn nhớ nơi này,
nên chỉ sau vài ngày, đã có thể làm hướng dẫn viên, đưa ông bà đi tham
quan khắp nơi trong trung tâm nghiên cứu.
Nhóc Rajiva năm tuổi hiếu học giống hệt cha. Các cô các chú chuyên gia
ở đây thường giảng giải cho bé nghe vô số điều thú vị mà những đứa trẻ
cùng tuổi bình thường khác không thể tưởng tượng nổi. Nhưng bé vẫn thích
chơi với chú Chinh Viễn hơn cả, suốt ngày quấn lấy chú đòi xem kính hiển
vi, và tự mình làm các tiêu bản sinh vật.
Bé nói với tôi, chú Chinh Viễn và cô Tuyết Tuyết rất lạ lùng. Cô Tuyết
Tuyết thường xuyên tìm gặp chú Chinh Viễn để hỏi những câu hỏi rất ngớ
ngẩn, nhưng chú Chinh Viễn chẳng bao giờ bực mình vì điều đó. Bé còn
nói thường hay bắt gặp hai người đỏ mặt một cách vô cớ. Tôi mỉm cười dặn
dò, sau này nếu thấy chú Chinh Viễn và cô Tuyết Tuyết gặp nhau thì phải
tránh đi chỗ khác chơi.
Ba tháng sau, chúng tôi đã đón một cái Tết linh đình ở trung tâm nghiên
cứu. Ngày mùng mười tháng một, nhóc Rajiva sáu tuổi cùng tôi đón sinh
nhật lần thứ ba mươi ba và hát chúc mừng sinh nhật mẹ. Giọng hát non nớt