Đó là một người đàn ông trung niên, với nước da bánh mật, dáng người
rất cao, thân hình mảnh khảnh, lưng dài thẳng tắp, vầng trán hẹp và dài, đôi
mắt to sâu trũng in giữa khuôn mặt khắc khổ, đồng tử màu nâu nhạt, thần
thái toát lên vẻ thông thái và nhân hậu. Ông không thả tóc ngang vai như
người Khâu Từ, mái tóc ông cắt ngắn giống kiểu tóc của con người ở hiện
đại nhưng đã lốm đốm sợi bạc. Dù ông đang mặc trên mình trang phục của
người Khâu Từ, tôi vẫn dễ dàng nhận ra ông là người Ấn Độ. Ở tuổi này,
nếu dùng từ “đẹp trai” để miêu tả về ông thì thiệt thòi cho ông quá! Điều
đáng nói ở đây là khí chất thoát tục ở ông, đó là thứ khí chất thanh cao
khiến ông trở nên khác biệt giữa hàng trăm con người, khiến người khác
phải chú ý và khi đã chú ý đến ông rồi thì khó mà dứt được ánh nhìn để
chuyển hướng đi chỗ khác.
Ông dắt theo một cậu bé chừng mười tuổi, khuôn mặt tròn xoe, làn da
trắng ngần giống người Khâu Từ và những đường nét trên khuôn mặt thì
giống hệt Rajiva, nhưng dễ thương hơn nhiều! Đôi mắt màu xám nhạt ấy
đang bận ngó nghiêng khắp nơi, khi thấy tôi, cậu bé có vẻ hơi ngạc nhiên,
cứ chăm chú nhìn tôi mãi. Tôi cười với cậu bé, lén lút làm mặt ngáo ộp trêu
chọc. Cậu bé giật mình, vội vã quay mặt đi.
Không nghi ngờ gì nữa, người đàn ông Ấn Độ ấy chính là Kumarayana,
người đã từng từ bỏ ngôi vị để xuất gia, người từng vượt qua dãy núi
Pamirs ở phía đông để đến đất Khâu Từ và được đức vua nước này phong
làm quốc sư, là cha của Kumarajiva và là người mà năm xưa Jiva tìm mọi
cách để được lấy làm chồng. Cậu bé có khuôn mặt giống Kumarajiva như
đúc kia chính là em trai của cậu, tôi không nhớ tên cậu bé là gì. Trong
“Truyện cao tăng”, Tuệ Giảo chỉ ghi lại một cái tên, tức là trong sự phát
triển của lịch sử, cậu bé đó chỉ tồn tại vì là em trai của Kumarajiva.
Hoàng hậu đã ngừng khóc, đưa hai mẹ con Rajiva đến bên Kumarayana,
Jiva chắp tay hành lễ trước người từng là chồng của bà, nỗi nhớ nhung bịn
rịn ngập đầy trong đôi mắt thẳm sâu của Kumarayana. Chắc hẳn ông rất