anh nhớ lại một sự việc xảy ra vào năm anh 12 tuổi. Người em trai duy nhất
của anh qua đời vì chứng bệnh bạch cầu. Sau tang lễ, anh vô tình nghe được
mẹ và bà nói chuyện trong phòng ngủ. Mẹ anh đau đớn khóc lóc, “Bây giờ,
chẳng có gì níu giữ con sống trên cõi đời này nữa.” Bà anh đáp lời, “Suỵt. John
ở ngay bên ngoài kìa! Nó có thể nghe thấy những gì con nói đấy!”
John rơi nước mắt khi anh kể chuyện này với tôi. Anh đã nghe thấy những
lời đó, và với anh thì lời mẹ nói có nghĩa là, “Điều này chứng tỏ mình không
có giá trị gì. Đứa em trai quan trọng hơn mình. Mẹ không thật sự yêu thương
mình.” Anh không bao giờ tiết lộ điều anh đã nghe thấy, và qua ngần ấy năm,
anh đã cố chối bỏ phần ký ức đó bằng cách tự nhủ, “Dù sao thì việc mẹ có yêu
thương mình hay không cũng không quan trọng.” Thế nhưng, anh đã hết sức
khổ sở để làm mẹ hài lòng bằng những nỗ lực trong công việc.
Trong thâm tâm, anh không hề tin rằng mình có giá trị, rằng anh là một
người kém cỏi và không xứng đáng được yêu thương. Anh cố gắng bù bắp cho
sự thiếu hụt lòng tự trọng bằng cách có được sự ngưỡng mộ và tán thành từ
phía mọi người. Cuộc đời anh như thể một chuỗi các nỗ lực không ngừng nghỉ
để bơm hơi vào một quả bong bóng bị thủng lỗ.
Giờ đây, John đã có thể nhìn ra điểm phi lý trong phản ứng của mình đối với
những lời anh vô tình nghe được khi đứng bên ngoài phòng ngủ. Cảm giác cay
đắng và trống rỗng của mẹ anh vào thời điểm đó là nỗi đau đớn khôn nguôi mà
bất kỳ người làm cha làm mẹ nào cũng đều cảm thấy khi mất đi đứa con thân
yêu. Câu nói của người mẹ không liên quan gì đến John cả, nó chỉ là nỗi u uất
và tuyệt vọng tạm thời của bà mà thôi.
Nghĩ về ký ức này từ một góc độ khác đã giúp John nhận ra việc liên kết giá
trị bản thân với ý kiến của người khác là điều phi lý và có hại. Có lẽ bạn cũng
bắt đầu nhận ra rằng suy nghĩ của bạn về tầm quan trọng của sự tán thành từ
người khác là hết sức phi thực tế. Chỉ có bạn, và duy nhất bạn, mới có thể
khiến bản thân luôn luôn hạnh phúc. Không ai khác có thể làm được điều đó.