khuya. Càng nghiện công việc, bạn lại càng muốn tạo ra nhiều thành quả hơn
nữa. Không có thành quả thì bạn cảm thấy mình thật vô dụng và chán nản, vì
bạn chẳng có cơ sở nào khác cho lòng tự trọng và sự thỏa mãn của bản thân.
Giả sử đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy không thể đạt năng suất làm việc
như trước nữa vì lâm bệnh nặng, kinh doanh thất bại, về hưu hay vì bất kỳ lý
do nào khác ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì bạn phải trả giá bằng chứng trầm
cảm nghiêm trọng bởi quan điểm cho rằng mình thật tệ hại khi năng suất làm
việc kém đi. Việc thiếu lòng tự trọng thậm chí khiến bạn có ý muốn tự tử, cái
giá lớn nhất cho việc đo lường giá trị bản thân hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn thị
trường.
Bạn có thể còn phải trả những cái giá khác nữa. Nếu gia đình bạn bị ảnh
hưởng bởi thái độ lơ là của bạn, cảm giác khó chịu sẽ nảy sinh. Có thể họ sẽ
nhẫn nhịn trong một khoảng thời gian, nhưng sớm hay muộn gì bạn cũng phải
trả giá thôi. Vợ bạn ngoại tình và muốn ra tòa ly hôn. Đứa con 14 tuổi của bạn
vừa bị bắt vì tội ăn trộm. Khi bạn cố gắng thuyết phục nó thay đổi, nó sẽ lạnh
nhạt hỏi: “Bố đã ở đâu suốt những năm qua?” Ngay cả khi không gặp phải
những tình huống này, bạn vẫn sẽ đương đầu với một trở ngại to lớn – lòng tự
trọng không còn nữa.
Gần đây, tôi điều trị cho một doanh nhân thành đạt. Anh khẳng định anh là
một trong những người kiếm tiền giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Nhưng
anh thường có trạng thái sợ hãi và lo âu.
Nếu anh tuột dốc thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh phải từ bỏ chiếc siêu
xe và lái một chiếc xe bình thường? Viễn cảnh đó sẽ khiến anh không thể chịu
nổi! Anh có sống sót nổi không? Anh còn có thể tự hào về bản thân không?
Anh không biết liệu mình có tìm được hạnh phúc không nếu không có sự xa
hoa và hào nhoáng ấy. Anh liên tục cảm thấy căng thẳng bởi vì anh không đưa
ra được câu trả lời.