Câu trả lời của bạn là gì? Bạn có còn tôn trọng và yêu thương bản thân
không nếu thất bại nặng nề?
Cũng giống như bất cứ cơn nghiện nào, bạn nhận thấy mình cần đến những
liều “cao” hơn thì mới cảm thấy “hưng phấn”. Hiện tượng này xuất hiện khi
con người ta nghiện thuốc phiện, chất kích thích, rượu và thuốc ngủ cũng như
khi ta nghiện sự giàu có, danh vọng và sự thành đạt. Tại sao ư? Có lẽ là vì bạn
tự động đặt ra những kỳ vọng ngày một cao hơn sau khi đã đạt được thành tựu
ở một mức độ nào đó. Sự hào hứng nhanh chóng lụi tàn. Tại sao nó không kéo
dài mãi mãi? Tại sao nhu cầu của bạn ngày càng tăng hơn? Câu trả lời rất hiển
nhiên: Thành công không nhất thiết mang lại hạnh phúc. Hai thứ này không đi
đôi với nhau và cũng chẳng có mối quan hệ nhân quả. Thế là cuối cùng bạn cứ
mải đuổi theo một ảo ảnh.
Bởi vì suy nghĩ của bạn mới là yếu tố đích thực tác động đến tâm trạng của
bạn, nên cảm giác hân hoan của vinh quang chiến thắng sẽ nhanh chóng phai
mờ. Những thành quả đạt được chẳng mấy chốc trở thành một thứ cũ kỹ – bạn
bắt đầu cảm thấy nhàm chán, vô vị khi ngắm nhìn những tấm huân chương.
Thực tế là đa số mọi người đều không đạt được các thành tựu vĩ đại, thế
nhưng đa số mọi người đều sống hạnh phúc và được tôn trọng. Do đó, không
thể cho rằng chỉ có thành công mới dẫn đến hạnh phúc và tình yêu thương.
Trầm cảm, cũng như dịch bệnh, chẳng hề xem trọng địa vị, và xác suất nó tìm
đến những người sống trong nhung lụa cũng hệt như những người ở tầng lớp
trung lưu hay nghèo khó. Rõ là hạnh phúc và thành quả không nhất thiết liên
quan với nhau.
Sự nghiệp = Giá trị bản thân?
Rồi, giả sử bạn quyết định rằng việc liên kết sự nghiệp với giá trị bản thân
không mang lại lợi ích gì cho bạn, và bạn cũng thừa nhận rằng thành quả mà
bạn đạt được không chắc chắn sẽ mang đến cho bạn tình yêu thương, sự tôn
trọng hay cuộc sống hạnh phúc. Có thể bạn vẫn tin rằng ở một chừng mực nào