để có sĩ diện và tiếng tăm, và để hưởng lợi cá nhân) và sẵn sàng bảo đảm
mọi số nợ để tiến hành các mục tiêu trên.
Tín dụng đỏ
Vào năm 1995, công ty Hartcourt của tôi có liên doanh để thiết lập một nhà
máy sản xuất dụng cụ văn phòng khá quy mô ở Quảng Đông. Số tiền nợ 4
triệu đô la Mỹ của công ty liên doanh do Bank of China cho vay là do
chính quyền đảm bảo. Chúng tôi gần như không phải gặp gỡ hay liên hệ gì
với Bank of China ở Quảng Đông hay Bắc Kinh; và chỉ gặp Giám đốc chi
nhánh huyện một lần duy nhất trong một bữa ăn hoành tráng (không hề bàn
thảo gì đến dự án hay kế hoạch kinh doanh). Nhiều bạn bè doanh nhân tại
Trung Quốc khác đều có những kinh nghiệm tương tự, cho thấy quyền lực
của chính quyền địa phương vượt xa các thủ tục hành chính.
Các công ty quốc doanh
Năm 1978, tôi được tập đoàn Eisenberg gọi đến Tây An để tổng duyệt tình
hình kinh doanh và số liệu kế toán của Tây An Aircraft Technology, một
công ty con của PLA (Quân đội nhân dân Trung Quốc). Thời điểm đó, công
ty này chỉ chuyên sản xuất các phụ kiện cho máy bay, nhưng gần đây đã
lớn mạnh và lập dự án liên doanh với Boeing và Airbus để lắp ráp nguyên
chiếc máy bay. Sau khi tôi bị từ chối không cho coi các hồ sơ báo cáo tài
chính vì lý do “bí mật quốc gia”, Eisenberg đã phản đối mạnh mẽ và sau
cùng, Tây An Aircraft nhượng bộ, đem toàn bộ sổ sách để tôi xem xét.
Viên kế toán trưởng mang một chồng hồ sơ dày hơn 1 mét và nói đây là hồ
sơ số 1. Tôi thắc mắc là sao chỉ có 9 tháng hoạt động mà chi phí và doanh
thu lại nhiều con số như vậy. Ông ta trả lời là 3 bộ hồ sơ đều bao gồm
khoảng thời gian hoạt động như nhau. “Vậy hồ sơ nào là chính xác?” Ông
ta chậm rãi: “Cả 3 đều chính xác. Nhưng các số liệu khác nhau vì Sở Thuế
cần những con số khác với Ban quản lý ở Bắc Kinh và chúng tôi, Ban quản
lý địa phương lại có nhu cầu khác hẳn”.