Chương 11
Một người làm quan cả họ được nhờ
Hiện tượng một người làm quan, cả họ được nhờ đã tồn tại suốt 10 ngàn
năm trong lịch sử nhân loại, qua mỗi thời đại và không gian. Từ vị vua
chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở một quận hẻo lánh, lợi dụng quyền
lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con, đã trở thành một
thói quen như ăn uống hay giải trí.
Hơn 40 năm trước, khi tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, do nhu cầu về nhân
viên cấp cao vượt quá nguồn cung, nên các công ty Mỹ lớn có thói quen
gửi người đến các đại học để tuyển mộ “nhân tài”. Những sinh viên ở Top
Ten (10% đứng đầu sổ) tha hồ lựa chọn công việc và chỗ làm theo sở thích.
Vào thời điểm đó, các cơ quan chính phủ cũng cho người đến các trường để
tìm nhân viên. Nhưng họ chỉ vớ được những sinh viên học dở, nằm ở cuối
sổ, vì làm việc cho chính phủ được coi là nhàm chán, lương thấp, không có
cơ hội để tỏa sáng và dành cho những anh sinh viên “hơi ngu dốt”, “kém
may mắn”.
Chuyện làm quan
Tôi lớn lên trong bối cảnh Việt Nam, nơi mà các nhà xã hội học thường
quan sát là “mỗi người Việt Nam là một ông quan nhỏ” (each Vietnamese is
a little mandarin). Cho nên, đây là một nghịch lý tôi phải thay đổi tư duy để
làm quen: ở nước mình, con đường hoạn lộ là con đường duy nhất để vươn
lên trên xã hội.
Ở những xã hội dân chủ Âu Mỹ thời đó, làm quan đã bị coi là mạt vận; còn
nếu lêu lổng, không lo học hành, đào tạo cho mình kỹ năng bài bản hay trí
thức thâm sâu, thì con đường duy nhất đi đến tương lai chỉ có thể là đi…
làm lính (quân đội hoặc cảnh sát).