Chương 2
Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng
Thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới
Internet. Thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5.000 năm lịch sử:
rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô
học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và
quốc gia nghèo đói. Và công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự
cách biệt này...
Các chính trị gia và các chuyên gia thường thích dùng các danh từ thời
thượng để phô trương tri thức về thế giới và tạo ấn tượng trong cộng đồng.
Gần đây, họ hay nói đến các ngôn từ như kinh tế sáng tạo, mạng xã hội, hội
nhập toàn cầu, công nghệ xanh, kỹ thuật số, chỉ số hạnh phúc... Nhưng một
chữ bị lạm dụng nhiều nhất có lẽ là “thế giới phẳng”.
Cuốn sách của Thomas Friedman
Danh từ này được Thomas Friedman dùng làm đề tài cho một tựa sách vào
2005 để diễn tả một hiện tượng mới về xã hội và kinh tế do cuộc cách mạng
Internet và công nghệ thông tin (IT) mang lại. Giả thuyết của ông là sự lan
tỏa cùng khắp những thông tin và kiến thức nhanh chóng qua Internet đã
san bằng mọi cách biệt về lợi thế kinh tế giữa các quốc gia, giữa các thể chế
chính trị, và giữa các tầng lớp nhân dân. Kết quả là một thế giới phẳng lì,
không còn rào cản và bất cứ ai cũng có thể nắm bắt những cơ hội mới do
công nghệ mới tạo dựng.
Tôi đã theo dõi nhiều bài viết của Friedman trên New York Times, tờ báo
của giới mệnh danh là “tiến bộ” (liberal) của các trí thức khoa bảng Mỹ.
Ông này có tật xấu là đơn giản hóa mọi vấn đề, rồi dựa trên một vài sự kiện
đặc thù mà đặt ra các giả thuyết khá phi lý, phù hợp với quan điểm cá nhân
của mình. Ông luôn quên đi sự phức tạp của mọi vấn đề bàn luận, dù là xã