đắm và đốt lên ở ông khát khao muốn vẽ để “cố tạo nên những thứ đẹp
như thế”, trái với tôi thường khi cảm thấy sự xa hoa làm đầu óc mình
như cóng lại.
“Này, đây là một cô bé đã hiểu mũ và dù phải như thế nào,” Elstir
vừa nói với tôi vừa chỉ Albertine mắt long lanh thèm muốn.
“Cháu rất muốn thật giàu để có được một du thuyền!” nàng nói với
ông họa sĩ. “Cháu sẽ nhờ bác cố vấn cho để bài trí nội thất. Cháu sẽ có
những cuộc ngao du đẹp biết bao! Và sẽ thú biết bao khi đến Cowes
xem đua thuyền! Rồi cả một chiếc xe hơi nữa! Bác thấy những ‘mốt’
cho phụ nữ lái ô tô có đẹp không?”
“Bây giờ thì chưa,” Elstir đáp, “nhưng trong tương lai sẽ đẹp thôi.
Vả lại, không có mấy hiệu may theo hướng này, một vài hiệu thôi,
Callot chẳng hạn, tuy hơi quá thiên về đăng ten, Doucet, Chéruit và đôi
khi Paquin
“Nhưng giữa một bộ trang phục do nhà Callot may và một bộ của
một nhà may bất kỳ nào, có khác nhau nhiều không?” tôi hỏi Albertine.
“Một trời một vực, cậu nhỏ ạ,” nàng đáp. “Ôi! Xin lỗi. Có điều, hỡi
ôi! Ở chỗ khác là ba trăm franc, thì ở chỗ họ, anh phải trả một ngàn
franc. Nhưng chất lượng đâu có giống nhau, ngoại trừ đối với những
người chẳng biết gì sất.”
“Hoàn toàn đúng,” Elstir nói, “tuy nhiên tôi không đi đến mức nói
rằng sự khác nhau này cũng sâu sắc như giữa một pho tượng ở nhà thờ
lớn thành Reims với một pho tượng ở nhà thờ Saint-Augustin. Này,
nhân nói đến nhà thờ,” ông quay sang nói riêng với tôi vì đây là một đề
tài trò chuyện mà các cô gái không tham gia, vả chăng cũng chẳng mảy
may quan tâm đến, “hôm nọ, tôi có nói với cậu về nhà thờ Balbec như
một vách đá lớn, một khối đá chồi lên ở vùng này, phải không nào?
Nhưng ngược lại (ông chỉ cho tôi một bức màu nước), hãy nhìn những
vách đá này (đây là một phác thảo ghi nhanh ở ngay gần đây, ở Les
Creuniers
), hãy nhìn xem những khối đá này được “cắt cúp” mạnh mẽ