điểm vào những câu chuyện doanh thương của mình nhiều từ ngữ chọn
lọc, nhưng đều dùng sai nghĩa.
Trong khi nghe bà tôi hỏi viên quản lý bằng một ngữ điệu giả tạo:
“Giá cả khách sạn ta... như thế nào?... Ồ, quá cao so với túi tiền của
tôi”, không hề khó chịu về việc y vừa nghe vừa huýt sáo khe khẽ, mũ
vẫn đội nguyên trên đầu, tôi ngồi đợi trên một chiếc ghế dài nhỏ, trốn
biệt vào đáy sâu bản thân mình, cố gắng “di trú” vào những tư tưởng
vĩnh cửu, không để lại gì của bản ngã, không để lại gì sống động trên
bề mặt cơ thể mình - vô cảm hóa như bề mặt cơ thể một con thú giả
chết do ức chế khi người ta làm nó bị thương - để khỏi quá đau đớn
giữa cái nơi tôi hoàn toàn không quen này, cảm giác xa lạ ấy càng nhói
lên khi tôi thấy những người dường như rất quen thuộc với khung cảnh
này: một phu nhân sang trọng mà viên quản lý xun xoe bày tỏ sự tôn
kính đối với bà ta bằng những cử chỉ thân thiện với con chó nhỏ theo
sau bà, một gã công tử bột đội mũ cắm lông chim vừa bước vào vừa hỏi
“có thư từ gì không?”, tất cả những con người ấy bước lên những bậc
thềm giả cẩm thạch như trở về nhà mình. Và cùng lúc đó, mấy me-xừ
mang danh hiệu “trưởng ban tiếp tân” nhưng có lẽ chẳng mấy thông
thạo nghệ thuật “tiếp tân”, tia vào tôi ánh nhìn nghiêm khắc của Minos,
Éaque và Rhadamante
(tôi nhấn chìm tâm hồn trần trụi của mình vào
ánh nhìn ấy như vào một cõi xa lạ ở đó chẳng còn có gì che chở cho
nó); xa hơn chút nữa, đằng sau một tấm kính ngăn, nhiều người ngồi
trong một phòng đọc mà để mô tả nó, chắc tôi phải lần lượt mượn ở
Dante
những màu sắc ông dùng để vẽ nên cảnh thiên đường, rồi cảnh
địa ngục, tùy theo tôi nghĩ đến niềm hạnh phúc của những kẻ đắc tuyển
được quyền hoàn toàn yên tĩnh ngồi đọc trong đó, hay nghĩ đến nỗi
kinh hoàng mà bà tôi ắt gây cho tôi nếu như không đếm xỉa đến thứ
cảm giác ấy, cụ cứ lệnh cho tôi phải vào trong ấy.
Một lát sau, cảm giác cô đơn của tôi lại càng nặng nề hơn. Khi tôi
thú thật với bà tôi rằng tôi không được khỏe, rằng hai bà cháu có lẽ đến