thật sự nghiêm túc. “Bài làm không tồi,” cô nói với Albertine, “nhưng
nếu mình là cậu và với phải cùng đề thi ấy - điều rất có thể xảy ra vì
người ta rất hay ra đề thi oái oăm như vậy - mình sẽ không làm như thế.
Đây, mình sẽ làm thế này. Trước hết, nếu mình là Gisèle, mình sẽ
không bốc đồng lao ngay vào vấn đề, mình sẽ bắt đầu làm dàn bài trên
một tờ giấy. Dòng đầu: vị trí của câu hỏi và trình đề; rồi những ý khái
quát cần đưa vào để phát triển. Cuối cùng, đánh giá, văn phong, kết
luận. Như thế, bắt nguồn từ đề cương, người ta biết mình đi đâu. Ngay
phần trình đề - hay như cậu thích, Titine
, phần nhập đề, bởi vì đây là
một bức thư - Gisèle đã mắc lỗi. Viết cho một người ở thế kỷ 12,
Sophocle không nên viết: bạn thân mến.”
“Thật vậy, lẽ ra nó phải đặt vào miệng Sophocle: Racine thân mến,”
Albertine hăm hở kêu lên. “Như thế hay hơn nhiều.”
“Không,” Andrée đáp, giọng hơi nhạo, “lẽ ra nó phải viết ‘Thưa
ông’. Cũng như vậy, lẽ ra nó phải tìm ra một cái gì đại loại như: ‘Thưa
ông (cùng lắm là: thưa ông thân mến), cho phép tôi được nói lên ở đây
những tình cảm quý trọng của một kẻ lấy làm hân hạnh phục vụ ông.’
Mặt khác, Gisèle nói rằng những dàn đồng ca trong Athalie là một cái
mới. Nó quên mất Esther và hai vở bi kịch ít được biết đến mà chính
giáo sư giám khảo đã có bài phân tích trong năm nay! Cho nên chỉ cần
dẫn tên hai vở đó thôi là chắc chắn đỗ! Đó là Những phụ nữ Do Thái
của Robert Garnier và Aman của Montechrestien
.”
Andrée dẫn hai tựa đề đó mà không giấu nổi một ý thức tự tôn dù sao
cũng dễ thương thể hiện bằng một nụ cười khá duyên dáng. Albertine
không nén nổi cảm xúc nữa: “Andrée, cậu thật oách!” cô kêu lên. “Cậu
viết cho mình hai cái tít ấy đi. Cậu có tin không? Nếu vào vấn đáp,
mình vớ trúng cái đề này thì may biết mấy, mình sẽ dẫn chúng ngay và
sẽ làm họ lác mắt.”
Nhưng sau đó, mỗi khi Albertine yêu cầu Andrée nhắc lại tên hai vở
kịch đó để ghi vào sổ, cô bạn thông thái lại giả vờ quên và không bao