bèn nói: “Này các mụ, tớ cấm các mụ không được dòm tớ viết cái gì.”
Sau khi nắn nót vạch từng chữ, úp tờ giấy lên đầu gối, cô đưa cho tôi
mà rằng: “Cẩn thận đừng để ai thấy đấy.” Tôi bèn giở ra và đọc thấy
mấy chữ nàng viết cho tôi: “Yêu anh lắm.”
“Nhưng thay vì viết những điều ngu xuẩn,” cô kêu lên, quay sang
Andrée và Rosemonde với một vẻ đột nhiên trở nên dữ dội và nghiêm
trang, “mình phải cho các cậu xem bức thư Gisèle viết cho mình sáng
nay. Đầu óc mình để đâu rồi, rõ ràng mình để nó trong túi mà, nó có thể
giúp ích cho chúng ta rất nhiều!” Gisèle nghĩ rằng nên gửi cho
Albertine để truyền cho các bạn khác cùng đọc bài luận cô đã làm trong
kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Nỗi lo sợ của Albertine
về độ khó của các đề thi còn chưa thấm gì so với hai đầu đề Gisèle phải
chọn. Đề thứ nhất: “Từ địa ngục, Sophocle viết cho Racine, an ủi ông
về thất bại của vở Athalie
”; còn đề kia: “Thử tưởng tượng sau buổi
công diễn vở Esther
, Madame de Sévigné sẽ viết cho Madame La
Fayette tỏ ý tiếc là bà này đã không có mặt ở đó.” Vậy mà Gisèle, do
quá hăng hái - hẳn điều này đã làm các giám khảo xúc động - đã chọn
đề khó hơn trong hai đề, tức là đề thứ nhất, và cô đã làm bài xuất sắc
đến nỗi cô đạt mười bốn điểm và được hội đồng giám khảo khen. Lẽ ra
cô đã đỗ loại “ưu” nếu không “tét” ở môn thi tiếng Tây Ban Nha. Bài
luận mà Gisèle đã gửi bản sao cho Albertine lập tức được cô này đọc
lên cho cả nhóm nghe vì bản thân cô cũng phải qua kỳ thi này, và cô rất
muốn nghe ý kiến của Andrée, vốn học giỏi hơn tất cả và có thể mách
cho cô những bài “tủ”. “Nó cũng may, đấy chính là cái đề tài cô giáo
Pháp văn của nó bắt nó ‘sào’. Bức thư của Sophocle viết cho Racine,
như Gisèle soạn, bắt đầu như sau: ‘Bạn thân mến, xin thứ lỗi vì đã viết
cho bạn mà chưa có hân hạnh được đích thân quen biết bạn, như vở bi
kịch mới của bạn, Athalie, chẳng đã chứng tỏ bạn đã nghiên cứu kỹ
những tác phẩm xoàng xĩnh của tôi sao? Bạn đã chỉ đặt những câu thơ
vào miệng những nhân vật chủ chốt và những nhân vật chính của kịch,
nhưng bạn đã viết những câu thơ thật hay - cho phép tôi nói vậy không
mơn trớn nịnh nọt - những câu thơ cho những dàn đồng ca không đến