Việc tưởng như thành tựu đến mười mươi, ai dè ông chú quỷ quyệt.
Sự ra khỏi Thăng Long của ông chính là ông gài bẫy mà ta chưa lường tới.
Chuyến ấy nếu Thái tông không đứng ra che chắn, chắc là ông chú đã chém
bay đầu ta. Hoài vương cứ hồi tưởng triền miên về quá vãng và nhớ rất sâu
sắc về những điều bực giận, những nỗi niềm cay đắng nên tâm trạng càng u
uất tới mức không gì gỡ bỏ được, không gì hóa giải được.
Hoài vương lâm trọng bệnh, tin về tới Thăng Long, Thái sư Trần Thủ
Độ sai thủ hạ về thăm, vương khiến gia nhân đuổi đi, không tiếp.
Người được sai bảo về tâu lại, Trần Thủ Độ mỉm cười. Và có vẻ như
là một sự ân hận, ông nói:
“Vậy là Hoài vương Liễu vẫn giận ta. Quả thật tình thế lúc ấy buộc ta
phải xử sự như vậy, nhưng hơi quá tay”.
Thái sư vào hậu điện đem chuyện sai người về thăm vương Liễu bị
ốm, Liễu đuổi đi không tiếp nói với nhà vua. Rồi ông khuyên vua:
- Bệ hạ nên về thăm Hoài vương, ta nghe nói Liễu ốm nặng mà không
chịu uống thuốc.
- Liệu chú có thể về thăm Hoài vương được không? - Vua Thái tông
hỏi.
Trần Thủ Độ cười như mếu:
- Bệ hạ thừa biết, Liễu còn giận thần lắm. Bây giờ thấy mặt thần, bệnh
Liễu càng thêm nặng. Bệ hạ nên về thăm vương, đem tình cốt nhục ra mà
hóa giải họa may bệnh Liễu có lui được chăng?
- Được, cháu sẽ về ấp An Sinh, nhưng chưa thể đi ngay được. Cháu
đang muốn bàn với chú chuyện nam thùy.
- Lại chuyện quân Chiêm quấy phá ven biển châu Hoan, rục rịch đòi
đất ba châu mà Chế Củ đã dâng cho Lý Thánh tông để chuộc mạng chứ gì.
- Vâng, đúng là chuyện đó, chắc là cháu phải thân chinh phạt Chiêm
để giữ yên mặt nam còn lo rảnh tay đối phó mặt bắc.