- Tâu bệ hạ, nhưng điều quan yếu nhất là phải thắng được nỗi sợ hãi,
phải xác quyết rằng dù kẻ kia có mạnh đến mấy cũng chỉ là lũ kẻ cướp, lý
đương nhiên giặc cướp đến nhà là phải đánh đuổi nó để giữ nhà mình, giữ
sự an ổn cho người thân của mình, cho dân mình, cho nước mình, nếu trên
từ bệ hạ dưới là quần thần tới tận binh sĩ và từng người dân đều đồng lòng
như vậy thì không một kẻ cướp nào, không một kẻ xâm lăng nào là không
bị đánh bại, cho dù nó có là quân Mông - Thát đi nữa. Nói thật với bệ hạ,
khi nhà Trần ta mới khởi nghiệp phải kình chống với mấy thế lực, họ hùng
hậu hơn mình nhiều lắm, nếu không cơ mưu, không cương dũng thì mạng
sống của mình cũng không giữ nổi nói chi đến sự nghiệp, đến đế nghiệp.
Những điều Thái sư vừa nói tựa như một làn gió thổi bùng ý chí quật
cường của vị vua trẻ. Với vẻ khoái hoạt, vua hỏi:
- Thưa, cứ như ý chú thì sức mạnh và lòng cương dũng chính là bảo
bối thắng giặc.
- Tâu bệ hạ, đúng như vậy.
- Chú thử nói rõ làm thế nào để ta có được bảo bối ấy?
- Dễ thôi mà, thần dâng bệ hạ chỉ có bốn chữ thôi. Đó là DƯỠNG
DÂN, RÈN QUÂN, song thực hiện được bốn chữ đó lại không phải là
chuyện dễ đâu.
- Vậy ta phải làm gì đây thưa chú?
Trần Thủ Độ cười thật là cởi mở, tay ông nhặt trên nắp cơi một khẩu
trầu bỏ vào miệng nhai, lại cầm chiếc quạt lông chim phe phẩy - Mới đầu hạ
mà trời đã nực, năm nay chắc mưa sớm, Thái sư nói và dường như ông
không để ý đến lời nhà vua vừa hỏi.
Vua Thái tông cầm chiếc dùi chuông nhỏ xíu toan gõ chuông gọi đám
nữ tì đến hầu quạt.
Thái sư vội ngăn lại:
- Ấy đừng, bệ hạ không nên cho ai vào cung cả, trong khi thần và bệ
hạ đang bàn việc nước. Giặc tuy còn ở xa, nhưng tay chân, tai mắt chúng rải
khắp nơi, chi bằng ta cứ phòng bị cho thật nghiêm cẩn là hơn. Bây giờ thần