sóc lão gia. Quốc Tuấn lặng lẽ đi giật lùi ra cửa, nước mắt vẫn giàn giụa
tràn mi.
Thấy sức cha ngày một kiệt, Quốc Tuấn nhất định không chịu ra khỏi
phòng cha nữa, chàng cứ đứng đó nhìn cha chòng chọc, khi cha cựa mình
thì chàng ngồi thụp xuống chân giường hoặc chui vào gậm giường.
Những hành vi của Quốc Tuấn kỳ thực không che được mắt Hoài
vương Liễu. Có lúc ông đã toan quát đuổi Quốc Tuấn nhưng không đủ sức
bật ra được thành lời nói. Nhưng thấy Quốc Tuấn rầu rĩ, lén vụng để được
hầu hạ suốt ngày đêm không tỏ ra mệt mỏi, ông lại dấy lên lòng thương
con. Hoài vương biết chắc con mình có tài vương bá; trong mấy người con
trai, ông chỉ kỳ vọng ở Quốc Tuấn; còn như Quốc Trung thì chữ nghĩa đầy
mình, đầu óc khoáng đạt nhưng chí của nó lại đặt vào cái chỗ vô tranh,
chuyên chú vào việc tu tâm, xả bỏ hết thảy để cầu tìm sự giải thoát. Có lúc
ông đã nghĩ Quốc Trung chỉ làm những việc hão huyền, vô bổ; có lúc ông
lại cho sự nghiệp mà Quốc Trung theo đuổi là cao thượng, là kỳ vĩ, người
thường không thể theo được.
Hoài vương cứ đắm mình vào trạng thái hư hư thực thực, đầu óc ông
không khai thông được tức là không thoát ra được cái ranh giới của sự sống.
Ông mơ hồ cảm thấy cái thời khắc của mình đã sắp đến. Sức ông cứ kiệt
dần, người cứ lịm chìm trong một thứ ánh sáng đục mờ, dường như ông cố
giương mắt ra nhìn mà chẳng thấy một vật gì ngoài cái màu trắng ma quái
cứ ám ảnh, giăng mắc bủa vây ông đến hãi hùng.
Tới một hôm Hoài vương thấy người tỉnh táo, đầu óc nhẹ nhõm, ông
đòi lão bộc nấu nước hương nhu lá bưởi cho ông tắm. Lại sai lấy áo mũ
tước vương mặc cho ông. Các việc mặc áo, đội mũ ông cho Quốc Tuấn
được phép hầu hạ. Ấy là trong lòng ông đã có sự tha thứ. Tựa vào chồng
gối xếp có lão bộc nâng đỡ ở phía sau, ông chỉ Quốc Tuấn quỳ xuống, ráng
lấy sức nói thong thả để khỏi có sự nhầm lẫn, chắc vương nghĩ vậy. Giọng
vương cất lên yếu ớt, nhưng lời giối giăng thật rõ ràng: “Mày mà không vì
cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”.