- Bệ hạ nghĩ thế là phải. Nhưng Nhật Hiệu chỉ làm được công việc
của thời bình.
Vua Thái tông biết ông chú không ưa Nhật Hiệu và thường chê Hiệu
bất tài. Nhật Hiệu là thân vương trong hàng huynh đệ nên nhà vua cũng có
phần ưu ái.
Nhà vua xuất chinh rồi Thái sư Trần Thủ Độ liền cho các quan của
triều đình về các trấn, lộ tuyên chiếu mệnh của vua về các việc: kiểm kê
tiểu hoàng nam, đại hoàng nam biên chép đầy đủ để khi nhà nước động
binh mọi việc đã sẵn sàng. Việc thứ hai là tất cả các đinh tráng tuổi từ mười
tám đến bốn mươi lăm đều phải gia nhập điền binh và luyện tập mỗi năm
hai tháng thay vì một tháng như trước đây; binh bộ sẽ cử các đô tướng về
huấn dạy các môn võ nghệ và sử dụng các đồ khí giới; lương thực ăn trong
thời gian tập luyện do nhà nước chu cấp, các điền binh không phải tự túc
như trước nữa. Việc thứ ba là nhà nước sẽ đưa mẫu khí giới cho các lò rèn
làm như giáo búp đa, đinh ba, câu liêm, đao, kiếm cũng như việc chế tác
cung, nỏ, tên và chông sắt… nhà nước sẽ mua tất thảy để phân phát cho các
đội dân binh phòng khi nước có giặc. Việc thứ tư là các đất hoang hóa, đầm
hồ, bãi bồi hoặc rừng kiệt trong dân gian ai khai phá được, nhà nước sẽ tha
tô thuế cho từ năm năm đến mười lăm năm tùy theo công sức bỏ ra, nhà
nước cũng cấp luôn sổ địa bạ và cho làm chủ đất ấy.
Cùng với việc triều đình cho đắp đê từ nguồn đến biển phòng lũ lụt,
ngăn nước mặn với các chính lệnh mới vua ban đã gây một luồng sinh khí
chưa từng thấy trong dân gian làng xóm. Người nào việc ấy, dân chúng hồ
hởi, cả nước đều nhộn nhịp như một đại công trường.
Bữa nọ Thái sư đi kinh dinh các lộ vừa về tới dinh phủ, chưa kịp tẩy
trần, phu nhân đã sán hỏi:
- Ông đi quá nửa tuần trăng nay mới về, vậy chớ có việc gì mà ông
vui thế?
- Việc nước cả thôi chứ tôi có việc tư riêng gì đâu bà, - Thái sư vừa
nói vừa nhìn phu nhân cười lấy lòng.