Phu nhân bĩu môi:
- Hơn ba chục năm nay lúc nào ông cũng “việc nước”, “việc nước”,
còn gái già này chỉ quẩn quanh bếp núc hầu hạ đức ông thôi chứ gì. Phu
nhân dằn giọng vẻ như hờn dỗi - Lạ thật, không bao giờ ông hỏi được một
câu về các việc nơi đầu hè, xó bếp của mụ già này là thế nào.
Trần Thủ Độ thầm nghĩ: - Vẫn cái tính đáo để của cô Dung ngày nào.
Với điệu cười làm lành, ông tường thuật lại các việc, cả khí thế lòng dân
nữa cho phu nhân nghe.
Nghe xong, phu nhân cũng cười nói xuề xòa:
- Việc vui như thế mà trước khi đi ông chả nói cho tôi biết.
- Thì đã biết lòng dân đón nhận thế nào mà khoe trước với bà.
- Tôi thấy Cảnh nó trị nước giỏi đấy ông ạ. Chính lệnh ngày càng
khoan nới, dân được nhờ. Kể ra ông cũng là người tinh tường, đặt nó vào
ngôi quân trưởng từ thuở còn chưa biết hỉ mũi, thế mà rèn cặp được thành
người tài đức. Cả dòng họ vẻ vang, dân nước chịu ơn. Giỏi! Chú cháu ông
đều tài giỏi cả.
Trần Thủ Độ sùy một tiếng rồi nói:
- Chú cháu tôi được như ngày nay là đều ở như bà cả. Giả dụ ngày bà
có mang con Thuận Thiên, Đàm thái hậu truy ép rồi bỏ thuốc độc, cả bức tử
nữa, nếu bà không có gan cóc tía, khí uất bốc lên, mọi việc buông xuôi bà
khuất bóng thì làm sao anh em tôi giữ được Huệ tôn, ngôi nước chưa biết về
tay họ nào. Bè này đảng nọ kình chống lẫn nhau, xâu xé giang sơn, máu
xương đầy nội biết bao giờ mới quy được về một mối. Do thế, chỉ lịch sử
mới ghi xuể công lao của bà chứ chú cháu tôi nói dăm câu ba điều nơi đầu
lưỡi thì ăn nhằm gì. Còn việc bếp núc, việc hậu cung không ở tay bà còn ở
tay ai. Hậu cung mà rối nát, chú cháu tôi dẫu có tài thánh cũng phải bó tay.
Phu nhân có vẻ hài lòng, có vẻ mãn nguyện, bà dẩu môi nói:
- Dào ôi, ông cứ nói mãi công lao làm tôi thêm ngượng. Này, thế việc
ông và nhà vua trù liệu quân lương, binh khí như vậy có nghĩa rằng quân
Mông Cổ sắp đánh mình thật ư?