cứ thế hạ dần.
- Không khéo sưng phổi mất.
Bà bồn chồn đưa mắt nhìn vào trong nhà ngóng Hạnh mà hầu như quên mất
thằng tóc đỏ đang ngồi cứng đơ như khúc gỗ.
- Hay để tôi bảo con Hạnh chở ông đi liền bây giờ nhé?
- Phải có hẹn trước mới khám được. Thằng tóc đỏ buột miệng như sợ buổi
đi chơi với Hạnh bị cản trở.
Bà Cửu giả bộ giật mình nhìn lên khi nghe tiếng người lạ:
- Ủa, lại cậu nữa à?
- Vâng, cháu đến chở Hạnh đi xin việc làm. Hắn cố lấy giọng thản nhiên.
- Đi gì đi lắm thế! Mấy ngày liền cũng chưa xong.
- Vâng, nhiều khi xin cả tháng.
Tuần rồi Hạnh lôi ở đâu về thằng cô hồn. Không phải chỉ có bà nói thế mà
ngay đám em con Hạnh cũng đều nhao nhao phản đối nhưng Hạnh đâu phải
tay vừa, giọng nó đáo để:
- Tao có định lấy nó làm chồng đâu mà chúng mày phê bình? Người ta đến
chở dùm, chúng mày không cho đến miếng nước mà còn chõ mõm vào.
- Xin việc gì cái ông ấy. Em còn biết ông ta có những hai con bồ già để đẽo
tiền. Cái thứ chuyên môn gạt gẫm.
Hạnh không thèm cãi tay đôi với em gái, nàng quay sang ông bà ngoại nói
như phân trần:
- Quân này chúng nó ích kỷ như vậy đấy ông bà ạ! Rúc một xó cả ngày
làm con ăn đầy tớ lo cơm nước cho chúng thì tử tế lắm, còn không cứ nói
càn nói bừa rồi muốn ra sao thì ra.
Hạnh quay sang lũ em trai nói lớn như đánh tiếng trước:
- Còn chúng mày nữa, liệu mà tự lo cơm nước lấy. Mai mốt tao đi làm mà
ngồi một chỗ chờ là đói vêu mõm.
Bà Cửu không ưa thằng tóc đỏ nhưng Hạnh nói sao thì tin vậy. Sợ lũ cháu
đói khát, bà trấn an:
- Cơm nước đã có bà còn chúng mày cứ lo việc chúng mày. Có điều con
Hạnh nếu kiếm được việc làm thì phải liệu gửi mấy đứa nhỏ chứ bà chẳng
có sức trông coi bằng đó đứa đâu.