- Khiếp đảm. Thầy vác cái của quỷ này đi làm gì? Tâm kêu lên khi thấy
ông Cửu gần như bò dài ra để lấy cái túi xách nhà binh ngày xưa đã được
nhuộm nâu.
- Sư mày, không có nó thì vãi ra đấy.
- Thầy đựng gì mà sợ nó vãi với chả vãi? Trời ơi!
- Giời ơi cái gì, ông Cửu gắt ầm lên, không có nó lấy cứt mà ăn.
Tâm không nói nữa, nàng khom lưng kéo phụ cái túi xách xuống bên dưới
rồi phủi hai tay vào nhau:
- Vừa dơ lại vừa hôi muốn ói, cái mùi nhuộm hay vải bố gì mà ghê sợ.
- Mùi thằng bố mày chứ còn ai vào đấy!
Ông Cửu quen thói mắng con, dù mắng thật hay yêu thương cũng thế,
nhưng bà Cửu thì không chấp nhận được điều này, bà khẽ khều ông:
- Vừa thôi, mình đang ở "Ờ mé ri cà" chứ không phải Việt Nam đâu.
- Có ở trên trời thì chúng vẫn là con tôi. Bà cứ vớ vẩn khều với khoèo mà
tôi lộn tiết lên đạp cho mấy đạp bây giờ.
Chẳng hiểu ông có đủ sức đạp cho bà té nổi không vì dù ốm o bà cũng còn
có tí da tí thịt hơn ông. Lần này bà cấu ông một cái đau điếng:
- Ăn với nói, có cháu có chắt rồi mà không giữ gìn ý tứ để chúng khinh
cho.
Ông Cửu bực vì thấy vợ cứ đứng lải nhải lại cấu với bẹo nhưng ông cũng
ráng làm thinh vì thấy một vài người Mỹ to lớn đứng gần đấy quay lại nhìn.
- Lấy đi. Nó đấy! Đấy!
Giọng ông lớn và kéo dài. Vài tiếng cười rộ làm mặt Tâm đỏ bừng. Quên
cả giữ gìn, nàng kéo mạnh cái va li giọng hơi lớn:
- Còn nữa không thầy?
- Còn một cái nữa.
Bà Cửu nhanh nhẩu trả lời đồng thời chồm người cố kéo cái túi vải vừa trờ
tới nhưng cả người bà mất đà lăn theo, đôi chân bị giở hỏng theo vòng
xoay. Cũng may Tâm nhanh tay kéo được bà đứng lên, nàng cằn nhằn:
- Nó đã chạy quá tầm tay bu còn với theo làm gì? Chờ vòng sau con lấy
cho, bu đứng ra ngoài coi hành lý. Thật khổ ơi là khổ.