Bà vuốt lại vạt áo và lùi hẳn ra sau ai ngờ ông Cửu đã đứng ngay đó tự lúc
nào. Hai chân ông khuỳnh ra như cái hàng rào chặn những phường đá cá
lăn dưa và hai tay chống nạnh như thể thách thức kẻ nào dám "lương" đồ
của mình. Bà nhìn quanh:
- Đồ đạc xuống một lần cả trăm cái mà không xảy ra cướp giựt, hay thật
ông nhỉ!
Không trả lời ngay, ông Cửu cúi xuống lẩm bẩm đếm hành lý thêm một lần
nữa cho chắc chắn rồi mới cất cao giọng:
- Ở Mỹ ai cũng giàu có cướp làm gì vài cái túi xách. Bà không nhớ hôm nọ
đọc trong thư vợ chồng nó bảo tối ngủ không phải đóng cửa cơ à!
- Nó bảo là thế nhưng ai ngờ có thể trật tự đến như vậy.
Đám đông mỗi lúc một thưa dần với hành lý tản mát mọi chỗ. Phải đến
mươi phút sau ông bà mới theo Tâm khệ nệ ôm những túi đồ ra ngoài cửa
chờ Thành. Bà Cửu vừa lôi vừa kéo vừa cằn nhằn:
- Nặng thế này mà lưng tôi đau thì khiêng làm sao! Giá ông đỡ nó cho tôi
đội lên đầu thì có đi mấy cây số cũng chẳng ngại.
Bà Cửu nói chẳng ngoa, thuở còn con gái bà chiếm giải nhất trong làng về
đội. Người tuy nhỏ thó và đôi tay yếu ớt nhưng nếu có ai đỡ phụ để lên đầu,
cả tạ gạo bà đội chạy bon bon như không. Bà vẫn tự hào về thành tích đội
gạo của mình trong khi mọi người chung quanh tuy cảm phục nhưng chẳng
một ai mơ ước địa vị vô địch ấy bởi vì họ có cảm tưởng đầu bà bị trì nặng
không thể nào cất cao lên được. Giá bà có mặc áo dài cổ lưới, miếng lưới
vẫn bị đè xuống vì không đủ sức chống trả với cả khối xương hàm đè
xuống.
Vừa bước ra khỏi cánh cửa tự động, ông Cửu đã bị choáng ngộp bởi từng
đoàn xe nối đuôi nhau hàng bốn, đông đặc và chậm chạp bò như đoàn kiến
di chuyển chỗ ở khi trời sắp chuyển mưa. Đèn xe, đèn đường và đèn từ phi
trường sáng rực như ban ngày. Đi đôi với ánh sáng, mùi khói xăng, khói
thuốc, dầu cặn từ các ống khói đua nhau phun ra khiến mũi ông ngột ngạt.
Đã vậy tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng thắng xe hoặc rú mạnh chân ga cho
xe vọt đi khiến tim ông đập liên hồi.