Thần kinh bị căng thẳng làm đôi mắt ông mở to nên không bỏ sót bất cứ
một người nào lái ngang qua. Nào tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng bên những quần
áo hoa hòe sặc sỡ. Nào là Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ trắng, Mỹ vàng, Mỹ lai căng
cũng đều đủ cả. Ai nấy vui vẻ, hớn hở làm như thành phố về đêm mới là
cuộc sống hưởng thụ của họ. Ông cảm thấy vui lây với niềm vui mới mặc
dù đang hít thở những ô uế của dầu cặn và cơ thể mệt mỏi vì vượt một
chuyến bay quá dài.
Bà Cửu trái lại không có lối nhìn như chồng. Cảnh vật tuy lôi cuốn thật
nhưng nó dễ mờ nhạt để thay vào sự cô đơn và những dấu hỏi len lỏi. Bà
mơ màng với cảm giác hình như cái tình người nơi xứ Mỹ không có. Mười
sáu năm xa cách con cái, bà cứ nghĩ ngày hội ngộ sẽ là ngày vô cùng trọng
đại đánh dấu một cuộc đời đổi mới. Các con bà chẳng than thở thiếu tình
mẫu tử và các cháu nội, cháu ngoại vẫn thường xuyên gửi thư từ hình ảnh
nói rằng đã xụt xùi rơi lệ với nỗi thương nhớ nên chỉ cầu mong ngày đêm
ông bà chóng sang đoàn tụ là gì? Ai ngờ tất cả chỉ là những môi miếng, giả
tạo, dối trá, hoàn toàn trái ngược với sự thật. Chúng nào có nghĩ đến ông
bà! Ngay đến con dâu, con trai, con gái, thằng lớn, thằng bé đều mất mặt.
Bà cố nén tiếng thở dài che dấu nỗi ngao ngán để rồi tưởng nhớ lại buổi
tiễn đưa ông bà sang đây, con cái cháu chắt tại Việt Nam đã bày tiệc lớn
tiệc nhỏ ăn mừng cả hơn tuần lễ. Ao cá chép sau nhà bà cho tát sạch để làm
cho những bữa cỗ thêm linh đình. Vườn dừa và những cây thu đủ rộ trái
cũng được lần lượt ngả xuống cho món tráng miệng. Cờ xí, câu vè, câu đối,
thơ phú treo quanh vách tường không hết nên treo luôn ở đầu ngõ, toàn
những lời chúc tụng tốt đẹp, toàn những thương nhớ tiếc nuối đã đeo dính
lấy bà như gắn vào khúc ruột. Ngay đến căn nhà vôi to lớn, tuy không nhất
làng nhưng đó là công lao mồ hôi và nước mắt của hai ông bà tạo dựng gần
bốn mươi năm trời, từ ngày di cư vào trong Nam tha hương lập nghiệp,
công của hơn nửa đời người bươn chải vậy mà ông bà mỉm cười vui vẻ
giao cả cho vợ chồng Chẩn. Mai kia nó cũng đi rồi thì gia tài đó chẳng biết
sẽ về tay ai? Tuy nhiên dẫu có mười lần như thế bà cũng dốc cạn mà ban
phát hết. Không nghèo tiền, tình cảm lại quá dư thừa nên ngày đi bà còn
những hơn tạ gạo cũng mang ra phân phát hết cho con cháu. Quần áo, khăn