- Có ăn được đâu mà ăn, tao bị phong phải kiêng cữ từ hồi chúng mày còn
ở nhà.
- Bu cữ đã đành nhưng còn thầy?
- Bao tử thầy mày cũng yếu lắm thành ra cứ cho thầy bu tí rau với quả
trứng là xong.
- Ăn như vậy mắc bệnh cam tích chết.
- Một vài ngày ăn thua gì. Mai mốt con Nụ đến đón về trên ấy tha hồ mà
nấu nướng.
- Vâng, Tâm tiếp lời, ở đó nấu bếp điện nên cũng dễ. Với lại nhà housing
chẳng sợ hôi.
Thực ra ông bà cũng chỉ mong thế. Ở với con gái bao giờ cũng hơn con rể
vì cha mẹ vợ nào ra cái thể thống gì. Biết vậy nên tuy định ở đây vài ngày
ông bà vẫn cố giữ kẽ như khách.
- Chồng mày nó cũng hiền lành đấy.
Bà Cửu gợi chuyện khi bưng dĩa rau ra ngoài bàn.
- Vâng, hiền và ít nói. Phải mỗi cái tội sạch sẽ, quá sạch sẽ thì đúng hơn.
Hễ đi thì thôi mà về đến nhà là quét dọn lau chùi cả ngày.
- Nó làm gì mà sáng đi tới tối mịt mới về? Chắc lương khá lắm nhỉ!
Tâm chột dạ vì ngày xưa viết thư về nhà, nàng không tiếc lời khoe khoang
chồng mình là giáo sư, là ông chủ tiệm, là thương gia buôn bán tài giỏi và
giàu có khét tiếng. Tuy nhiên Tâm vẫn đáp "vâng" nho nhỏ.
Từ khi lấy Thành và khám phá ra chồng mình chỉ là người phụ tá cho ông
chủ chợ Việt Nam thì lòng Tâm giảm bớt ngưỡng mộ tôn vinh nhưng bên
ngoài vẫn niềm nở săn sóc. Có tật giật mình vì che đậy tật xấu của Thành
cũng chính là che đậy luôn cho mình. Cưới nhau mãi hơn một năm sau
Tâm mới có thai nhưng lại ngoài tử cung nên chín phần mười không thể có
con. Vì lẽ đó Tâm luôn phập phồng lo sợ Thành bỏ mình nên hết mực hầu
hạ nuông chiều. Có thể cũng vì thế mà dù Thành bị thất nghiệp cả đời nàng
cũng không nghĩ rằng đó là niềm đại bất hạnh của mình.
- Hai vợ chồng làm quần quật mà lại không con thì tiền để đâu cho hết?
- Thì chúng con ráng làm được ngày nào hay ngày đó.