Chiếc tàu nhỏ rời Ha-vơ-rơ. Đỗ lại ở Tây Ban Nha, Bồ Đào
Nha, An Giê Ri, Tuy Ni Di và những cửa bể Đông châu Phi
cho đến Công Gô. Đến đâu anh Ba cũng để ý xem xét. Mỗi
lần tàu cập bến, thế nào anh Ba cũng kiếm cách đi thăm
thành phố. Khi trở về, anh có những ảnh và những hộp
diêm đầy túi. Anh Ba thích thu thập những thứ ấy.
Đến Da-ca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng
không thể thả ca-nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với
tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra
chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước.
Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi.
Cảnh tượng ấy, mọi người coi là thường. Nhưng điều đó làm
cho anh Ba hết sức cảm động, anh khóc. Ngạc nhiên tôi hỏi
tại sao? Anh Ba buồn rầu trả lời tôi:
“Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là người tốt. Song
những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở
đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế
xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng
bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân tính
mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không
đáng một xu”.
Chiếc tàu của chúng tôi chở rượu ngon của Boóc-đô và An
Giê Ri cho những thuộc địa khác. Tất cả mọi người trên tàu
dùng rượu đó. Vì rượu rất nhiều. Tôi đã trông thấy nhiều
thủy thủ say rượu suốt chuyến tàu. Chỉ cần dùi một lỗ nhỏ
vào thùng rượu, ấn một ống cao su nhỏ vào đấy, hút thật
mạnh và để đầu ống kia vào một cái chai. Và như thế tha
hồ mà uống. Nhưng anh Ba không bao giờ uống rượu và
khuyên tôi không nên làm như thế.