bằng tiếng Anh, Pháp, Đức và tiếng Nga có rất nhiều, và có cả vô số những
nguyên bản viết bằng chữ cổ Trung Quốc và của nhiều nước phương Đông
khác. Một bộ phận đã khiến anh đặc biệt thích thú là những cuốn chuyên đề
về Tây Tạng, Tây Tạng học, nêu có thể gọi là như vậy. Anh để ý thấy có
nhiều cuốn rất hiếm, trong đó có cuốn Novo Descubrimento de grao catayo
ou dos Regos de Tibet, tác giả là Antonio de Andrada (Xuất bản tại Lisbon,
năm 1626); cuốn China của Athanasius Kircher (Antwerp, 1667); cuốn
Voyage à la Chine des Pères Grueber et d’Orville của Thevenot và cuốn
Relazione Inedita di un hiaggio al Tibet của Beligatti. Anh đang xem xét
cuốn vừa kể trên thì để ý thấy tu sĩ Tưởng cứ nhìn anh một cách tò mò dịu
dàng. Ông ta hỏi: "Ông có lẽ cũng là một học giả phải không?"
Conway thấy khó trả lời. Với thời gian giảng dạy ở Oxford, anh cũng
có quyền nhận mình là một học giả, song anh thấy từ ấy nói ra từ miệng một
người Trung Hoa thì đây là một lời khen ngợi ca tụng cao quý nhất, nhưng
người Anh thấy nó có chút ít hợm hĩnh, và nhất là vì lẽ tính đến mấy người
cùng đi, nên anh từ chối không nhận. Anh nói: "Tất nhiên tôi rất thích đọc
sách, nhưng do công việc bận rộn mấy năm gần đây tôi không có dịp để
chăm đọc sách."
"Thế ông vẫn còn ước ao được đọc sách?"
"Ồ, tôi không muốn nói như vậy, nhưng tôi biết chắc chắn là sách còn
hấp dẫn tôi."
Mallinson vừa lấy một cuốn sách, nói xen vào: "Cái này là cái cần cho
cuộc sống chăm đọc sách của anh, anh Conway. Đây là một tấm bản đồ của
vùng này."
"Chúng tôi hiện có một tập mấy trăm tấm bản đồ loại này," tu sĩ Tưởng
nói. "Các ông có thể tự do xem kỹ, nhưng có lẽ tôi có thể nói trước để các
ông đỡ tốn công ở một điểm. Các ông sẽ không thấy có ghi tên Shangri-La ở
trên một tấm nào hết."
"Kỳ cục nhỉ!" Conway nói. "Tôi không hiểu tại sao như vậy?"