Sau rốt, đoàn nữ thợ gặt cũng kéo tới, họ ngân nga một bài ca hội mùa
Bạch Nga - không lời. Trong khúc ca hoài cảm a - a - a - a với giai điệu
mộc mạc, thô sơ, có âm vang thô nhám ấy vang lên không phải niềm vui
của một vụ mùa đã thu hoạch được, mà giống như tiếng hát hoang dã của
nơi chiến địa, Nina thường suy tư khi nghe cái giai điệu bất an kia, giai
điệu chắc hẳn đã được lưu giữ từ ngàn năm. Không hiểu tại sao, nhưng
nàng tin chắc rằng tiếng hát của người da đỏ Inđian chắc cũng phải giống
hệt như thế.
Trong khi ấy, đoàn người tiến lại gần. Dẫn đầu là một thôn nữ to lớn, béo
tốt, có bộ hông rộng lắc lư và bộ ngực phì nhiêu, dường như đang muốn
làm bật tung chiếc áo sơ-mi may bằng vải thô. Dưới chiếc váy ngẵn cũn
màu đỏ trông rõ cặp đùi to chắc nhưng thon thả và hai bàn chân trần, ngược
hẳn với các thôn nữ khác mang bít tất tơ và những đôi hài sơn có đế kiểu
Pháp. Rõ ràng cô thôn nữ đầu đoàn nghèo khổ hơn nhiều so với chúng bạn.
Cô mang trên tay một vòng hoa lớn kết bằng lúa mạch.
Nam tước Renfơ đứng cạnh Pônimirxki khẽ khoác tay chàng và hạ giọng
thì thầm:
– Con giống đẹp chưa kìa! Thật quả là nữ thần Pônôma
! Một con cái
giống người chính huyết! Tôi tưởng tượng được những bắp thịt bụng và đùi
cô ta phải như thế nào! Thưa bá tước, tôi không ngờ là ở vùng biên thùy
này, nơi về phương diện ưu sinh học nông dân có những điều kiện thật tồi
tệ, lại được một con giống tuyệt đến thế. Mà nói chung tất cả đám kia đều
xinh cả. Quý thật chứ, có nói chứ không bỡn! không thể giải thích nổi!
Gioócgiơ đặt chiếc độc kính vào quỹ đạo của mắt và nhìn Renfơ vẻ coi
thường.
– Ngược lại, hoàn toàn có thể lý giải được, thưa ngài nam tước. Họ
Pônimirxki đã ngự trị ở Kôbôrôvô từ năm trăm năm nay, và theo như tôi
biết thì không một vị tổ tiên đáng kính nào của tôi chống lại việc giác ngộ
cho dân chúng hiểu nửa đẹp của họ.