V. TÔ THỨC
Tô Thức
(
http://imgsrc.baidu.com/baike/abpic/item/f6428f8f56462cdb503d9269.jpg
)
Gọi là Tô Thức thì còn có người lạ tai, chứ gọi là Tô Đông Pha thì ai
cũng biết ông, nhờ bài Tiền Xích Bích phú. Ông là người có tài nhất trong
số bát đại gia (vì văn thơ đều hay cả mà rất phong phú), khoáng đạt nhất, tư
tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.
Ông sanh năm 1037 (có sách chép là 1036), mất năm 1101, tên tự là Tử
Chiêm. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình,
dạy ông học. Khi nghe giảng về truyện Phàm Bàng, ông khái nhiên hỏi mẹ:
“Con sau này được như Phạm Bàng, mẹ có chịu không?”. Bà mẹ đáp: “Con
mà được như Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ Bàng?”
Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất thích đọc sách của
Giả Nghị và Lục Chí (về Giả Nghị coi tiểu sử ở phần II và bài Giả Nghị
luận ở sau – Lục Chí là Tể tướng đời Đường, có đức cao, giỏi về văn tấu
nghị). Như vậy ta thấy ông rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Nhưng
khi đọc sách Trang Tử, ông lại bảo: “Trước kia tôi có ý kiến, nhưng chưa
diễn ra được; nay đọc sách này, hợp ý tôi quá”. Tính tình ông phức tạp, mâu
thuẫn ở điểm đó; suốt đời ông chịu ảnh hưởng cả của Nho, lẫn Lão và Phật
nữa, nhờ vậy mà tâm hồn ông khoáng đạt, tuy trong hoạn đồ chìm nổi nhiều
phen mà không có giọng ai oán như Giả Nghị, Liễu Tôn Nguyên, vẫn mỉa
mai ngạo đời được. Cũng nhờ vậy mà văn ông siêu thoát, có nhiều vẻ hơn
các nhà khác.
Năm 21 tuổi ông đậu Tiến sĩ, nhờ bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận
(sẽ trích ở sau) mà Âu Dương Tu rất thưởng thức, ngờ rằng của Tăng Củng