bán đồ chơi, xưa kia là một hiệu bán hoa tươi. Chủ là một bà đầm khá đẹp.
Ông nhớ tiếng chào "buổi sáng" hay "buổi chiều" của bà, với nụ cười và
đôi mắt xanh biếc. Còn bây giờ, không còn một ai. Lớp mới tới lạ hoắc, xô
bồ, nhi nhô, làm quáng cả mắt. Ông không muốn nhìn thấy gì nữa, ngoài bà
cụ, người nối liền lạc một dây dỹ vãng và hiện tại của ông. Không có gì in
trong mắt ông nữa. Nhưng ông vẫn cứ đi trên con đường cũ. Chỉ đập vào
mắt những cảnh chướng tai gai mắt làm ông bực mình, miệng ông không
ngừng thầm rủa: "Mất dạy. Một lũ mất dạy." Lời không bao giờ được thoát
ra khỏi miệng. Ông ngậm và nuốt xuống!
Mấy chị bán ve chai ngồi ở góc đường thấy ông già không bao giờ tránh
lối. Ông phải đi vòng sát vào cửa hàng kim khí điện máy, nội cái tên cửa
hàng cũng làm ông không vui rồi. Đã thế, lớp sau không được dạy dỗ, thấy
một người già đáng cha ông, không kính trọng thì thôi, còn đem ra diễu
chơi. Ông không nhìn mà ông biết họ đang làm gì. Một chị trề cái môi ra,
bắt chước cái miệng móm của ông, rồi cười ngặt nghẽo sau lưng ông. Ông
không thể còn sống mà không hít thở, không đi đứng. Căn nhà của ông đã
bị xén nát ra, và căn phòng nhỏ chật chội, đã như là nấm mồ chôn sống ông
rồi. Nhưng ra đường lại "đổi món" bực mình khác. Nhiều lần, Bao cũng
chào ông" làm quen, nhưng mắt ông không hề để ý tới. Chẳng bao giờ ông
lại đi mất một nụ cười với cái thứ "hậu sinh khả ố" đó hết. Bà cụ thỉnh
thoảng kể chuyện với ông:
"Cái con mẹ Bắc Kỳ mới hay ngồi trước ngạch cửa khu nhà tập thể kia là
cặp mắt của công an phường đó. Nhà bà có chồng học tập bị để ý nhiều
nhất. Mấy đứa nhỏ đi vượt biên bị bắt chưa ai hay, phường đã biết."
Bà cụ thường dùng chữ Bắc kỳ mới, để phân biệt với bắc kỳ cũ, như ông
bà, thuộc thành phần di cư năm 1954.
"Mặc kệ chuyện bọn chúng. Mình già rồi, gần đất xa trời, sợ đếch gì
chúng nó"
Gần đất xa trời cũng không yên. Phường khóm mấy lần tới đề nghị đổi
cho ông bà cụ một căn phòng trên lầu mười một chung cư. Ông cụ trợn
mắt: