Thằng Lai biết con Đuông nói khích mình. Nhưng cái tô bánh canh làm
lòng nó tan hết ý tranh chấp. Thêm chanh rồi thêm ớt, thêm giá sống rồi ra.
Bà Mập chỉ biết lắc đầu cười. Lần nào tụi ranh con này có tiền ăn là cũng
đòi thêm cái này cái nọ. Biết rồi mà.
Ăn uống riết róng mà đôi khi ăn xong còn cười cười nói bữa nay chưa trả
được, nợ. Dù vậy, chúng nó hễ có tiền là trả sòng phẳng. Đâu có ai cho nó
nợ ngoài dì Mập này. Bữa nay cũng vậy, chúng nó phải để dành tiền mua
thức ăn cho thằng Sứa ghẻ. Ăn xong là chùi miệng.
"Nợ nghe dì Bảy".
Vừa vục cái muôn trong nồi, lừa lừa miếng thịt giò, miệng dì Mập chửi:
"Ông cố nội tụi bay, ăn nợ hông à. Nợ nhiêu rồi có nhớ không đó bây?"
"Hườm, nợ ai nhớ làm gì Mập ơi, quên tuốt..."
"Vậy bữa sau đừng ăn, dì Mập thí cô hồn cho bây..."
Hai đứa cười hề hề, nheo mắt, chào dì Mập theo lối nhà binh rồi kéo
nhau đi. Dì Mập lắc đầu, thương cũng có mà bực cũng có. Cứ gặp nhà
nghèo như chúng thì buôn bán lấy gì sống đây, mà để chúng đói chúng
thèm thì cũng mất đức. Cái bịnh mập phì, nghẽn tim chết bất đắc kỳ tử là
thường. Chết cũng khỏe, ngặt nổi còn bầy con bỏ cho ai? Sao cả đời người
đàn bà này, chỉ có một chuyện canh làm sao để chặt miếng móng giò heo
sao cho khéo, trông rôm rã mà vẫn có lời. Rồi nấu, cả ngày chỉ hửi mùi hơi
thịt cũng đã nuôi mỡ dày ra.
Đi một đoạn, nó lại chia tay với con Quynh. Giờ làm ăn mà. Khách ngoại
quốc các khách sạn đổ ra. Đi ăn cơm, uống cà phê, hẹn gái. Mỗi đứa một
cách. Con Quynh thì bám sát lẽo đẽo theo sau. Nó còn biết hướng dẫn cho
các cuộc hẹn hò, tìm chỗ "an toàn" cho hai bên giáp trận. Lóng này cũng
khó rồi, vì các khách sạn nhà nước đã ra tay hớt mối của chúng.
Con Quynh gặp con Nết. Đúng là đi hẹn giáp trận thôi. Áo quần bó sát,
nước hoa xức thơm phức. Thấy con Quynh, nó vẫy:
"Ê, có chuyện nói nè."
"Gì đây bà?".