V. Kế hoạch hóa và dân chủ
Một quan chức có ý định điều khiển người dân cách thức sử dụng đồng vốn của họ
không những đã lôi kéo về phía mình sự chú ý không cần thiết, mà còn tạo ra một uy
quyền khiến cho quốc hội hay nghị viện trở nên không còn tin cậy được nữa, và tình thế
sẽ trở nên cực kì nguy hiểm nếu quyền lực đó nằm trong tay của một kẻ điên rồ và ngạo
mạn đến mức tự coi mình xứng đáng thực hiện cái quyền lực đó.
Adam Smith
Đặc điểm chủ yếu của tất cả các hệ thống tập thể, nói theo ngôn ngữ của
những người xã hội chủ nghĩa thuộc tất cả các trường phái, là việc tổ chức
một cách có chủ ý tất cả các lực lượng sản xuất của xã hội nhằm thực hiện
một nhiệm vụ xã hội cụ thể nào đó. Những người xã hội chủ nghĩa phê
phán xã hội chúng ta chủ yếu ở điểm: lực lượng sản xuất xã hội không
được định hướng một cách “có chủ ý” đến một mục tiêu duy nhất mà để
cho tâm trạng thất thường và đỏng đảnh của các cá nhân thiếu trách nhiệm
chi phối.
Nói như thế nghĩa là chúng ta đã xác định vấn đề một cách rõ ràng và
không úp mở gì nữa. Đồng thời chúng ta cũng xác định được điểm xung
đột giữa tự do cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Các loại chủ nghĩa tập thể khác
nhau như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít v.v… chỉ khác nhau ở việc
xác định bản chất của cái mục đích duy nhất mà toàn bộ nỗ lực của xã hội
phải hướng tới mà thôi. Nhưng tất cả các loại chủ nghĩa tập thể đó đều khác
với chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân ở chỗ chúng cố gắng tổ chức toàn
bộ xã hội, tổ chức tất cả nhân tài vật lực của nó nhằm thực hiện một mục
đích cuối cùng duy nhất, không chấp nhận cho cá nhân quyền tự chủ để đạt
được các mục đích riêng lẻ trong bất kì lĩnh vực nào. Nói tóm lại, đấy là
chủ nghĩa toàn trị theo đúng nghĩa của từ mới mà chúng ta sử dụng để miêu
tả những biểu hiện bất ngờ nhưng nhất định sẽ xảy ra của cái lí thuyết mà
chúng ta gọi là chủ nghĩa tập thể.