nước có quản lí hay không. Nhưng kinh nghiệm của đa số các nước châu
Âu cho những người chịu suy nghĩ thấy rằng áp dụng việc quản lí như thế
là bước quyết định trên con đường tiến đến chế độ toàn trị và đàn áp tự do
cá nhân. Trên thực tế biện pháp này có nghĩa là cá nhân đã hoàn toàn khuất
phục sự bạo hành của nhà nước, là cắt đứt mọi cơ hội chạy trốn, cả người
giàu lẫn người nghèo. Khi con người bị tước quyền tự do đi lại, tước quyền
mua sách báo nước ngoài, khi phải được các cấp có thẩm quyền cho phép
thì mới được liên hệ với nước ngoài thì nghĩa là dư luận xã hội đã bị kiểm
soát khắt khe hơn cả dưới thời các chế độ độc đoán thế kỉ XVII hay thế kỉ
XVIII.
Để không mang tiếng là nói mò khi đưa ra lời kết án như thế, xin dẫn
ra ở đây kết luận mà Colin Clark, một trong những chuyên gia trẻ nổi tiếng
nhất trong lĩnh vực thống kê kinh tế, một nhà khoa học chân chính và dĩ
nhiên là có quan điểm tiến bộ, đưa ra trong cuốn Conditions of Economic
Progress (Những điều kiện của tiến bộ kinh tế), 1940, p. 3-4: “Cái điệp
khúc về sự nghèo khổ giữa cảnh giàu sang và về việc là chúng ta đã có thể
giải quyết từ lâu vấn đề sản xuất nếu chúng ta hiểu rõ được bản chất của
vấn đề phân phối, hóa ra lại là lời nói dối trá nhất trong số những sáo ngữ
đang thịnh hành hiện nay… Việc không sử dụng hết năng lực sản xuất chỉ
là vấn đề nghiêm trọng đối với Mĩ, mặc dù có thời gian nó cũng đã từng là
vấn đề của Anh, Đức và Pháp nữa. Nhưng đối với đa số quốc gia hiện nay
vấn đề hàng đầu, quan trọng hơn nhiều chính là năng suất lao động quá
thấp ngay cả khi toàn bộ nguồn lực sản xuất đã được sử dụng. Vì vậy mà
thời đại phú túc sẽ còn xa vời lắm… Ngay cả nếu ta có thể loại bỏ được nạn
thất nghiệp trong tất cả các ngành sản xuất của Mĩ thì mức sống của nhân
dân nước này sẽ được nâng cao thêm đáng kể; nhưng với toàn thế giới thì
đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào việc giải quyết vấn đề phức tạp hơn rất
nhiều; làm sao có thể đưa thu nhập thực tế của dân chúng đến một cái mức
dù còn rất xa với tiêu chuẩn mà ta vẫn gọi là văn minh”.
Không phải vô tình mà trong các nhà nước toàn trị, cả ở Nga lẫn ở
Đức và Ý, vấn đề tổ chức thời gian rỗi của dân chúng cũng đều được đưa