Lời giới thiệu (nhân dịp năm mươi năm xuất bản)
Cuốn sách này đã trở thành tác phẩm kinh điển thực sự: đây là tác phẩm
dành cho tất cả những ai quan tâm đến chính trị một cách rộng rãi nhất và ít
thiên lệch nhất của từ này, thông điệp chính của nó sẽ sống mãi với thời
gian và có thể áp dụng cho vô vàn hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Hiện nay,
trong chừng mực nào đó nó còn liên quan đến Hoa Kỳ nhiều hơn cả khi
được công bố lần đầu vào năm 1944 và đã gây chấn động dư luận vào lúc
đó.
Gần một phần tư thế kỉ trước (năm 1971) tôi đã viết lời giới thiệu cho lần
xuất bản cuốn Đường về nô lệ bằng tiếng Đức nhằm minh họa tính vĩnh
cửu của thông điệp mà Hayek đã gửi tới cho chúng ta. Lời giới thiệu đó
cũng có thể được áp dụng cho lần xuất bản kỉ niệm năm mươi năm ra đời
của tác phẩm kinh điển này của Hayek. Để khỏi phải đạo văn của chính
mình, tôi xin trích dẫn toàn bộ bài viết trước khi đưa thêm vào một vài lời
bình luận
.
“Suốt nhiều năm liền, tôi thường hỏi những người tin vào các nguyên tắc
của chủ nghĩa cá nhân xem họ đã rời bỏ chủ nghĩa tập thể chính thống của
thời đại chúng ta như thế nào. Trong nhiều năm, câu trả lời thường gặp nhất
chính là cuốn sách mà tôi đang có vinh dự viết lời giới thiệu này. Tác phẩm
xuất sắc và hùng hồn của giáo sư Hayek là ánh sáng soi đường cho các nam
nữ thanh niên từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang trong thời gian
diễn ra Chiến tranh Thế giới II. Kinh nghiệm vừa trải qua đã giúp họ nâng
cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa của quyền tự do cá nhân. Ngoài ra, họ
đã chứng kiến tổ chức tập thể hoạt động trên thực tế. Đối với họ thì những
lời dự báo về hậu quả của chủ nghĩa tập thể đã không đơn thuần là khả
năng có tính giả thuyết mà là thực tế nhãn tiền mà bản thân họ đã trải qua
trong thời gian tại ngũ.
“Đọc lại trước khi viết lời giới thiệu, tôi lại một lần nữa cảm thấy kinh
ngạc trước cuốn sách tuyệt vời này: tinh tế và lập luận chặt chẽ song lại dễ