trị và các tổ chức quân sự của đảng chỉ đơn giản là sự sao chép các thiết
chế xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trước đó mà thôi
* * *
Chừng nào mà phong trào xã hội chủ nghĩa trong một nước chỉ gắn bó
với quyền lợi của một nhóm xã hội cụ thể, thường là các công nhân công
nghiệp có tay nghề cao, thì vấn đề tạo lập một quan điểm chung về địa vị
của các thành viên khác nhau của nhóm trong xã hội còn tương đối đơn
giản. Phong trào quan tâm trực tiếp đến địa vị xã hội của nhóm người cụ
thể đó và mục tiêu của nó là nâng địa vị của nhóm này lên so với các nhóm
khác. Nhưng tính chất của vấn đề sẽ thay đổi khi, cùng với sự phát triển của
phong trào, mọi người đều nhận thấy rằng thu nhập và địa vị của bất cứ
người nào cũng đều do bộ máy cưỡng chế của nhà nước quyết định và khi
đó mỗi người, muốn duy trì hay cải thiện vị trí của mình, đều phải cố gắng
phấn đấu để trở thành thành viên của nhóm có tổ chức, đủ sức gây ảnh
hưởng đối với bộ máy nhà nước hay thậm chí kiểm soát bộ máy đó vì lợi
ích của mình.
Không có gì đảm bảo rằng trong cuộc chiến đấu gay go đó, quyền lợi của
những người nghèo khổ nhất hay những nhóm đông người nhất sẽ thắng
thế. Cũng không có gì đảm bảo rằng các đảng xã hội chủ nghĩa cũ, những
đảng đại diện công khai cho quyền lợi của những nhóm xã hội cụ thể, vẫn
giữ được vị trí của mình, mặc dù họ là những người đầu tiên khai phá con
đường, những người đầu tiên soạn thảo được ý thức hệ và phát lời kêu gọi
toàn thể giai cấp công nhân. Chính thành tựu và yêu cầu chấp nhận toàn bộ
ý thức hệ của họ chắc chắn sẽ tạo ra một phong trào đối lập mạnh mẽ,
nhưng đây không phải là phong trào của các nhà tư sản mà là của đông đảo
các tầng lớp nghèo khổ, những người nhận thức được rằng sự thăng tiến
của giới tinh hoa trong giai cấp công nhân công nghiệp sẽ đe dọa vị trí
tương đối của mình.
Lí thuyết và chiến thuật của chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi nó không bị
giáo lí marxit chế ngự, đã xuất phát từ ý tưởng chia xã hội thành hai giai