cấp với quyền lợi chung nhưng lại đối kháng nhau, đấy là giai cấp của các
nhà tư bản và giai cấp công nhân công nghiệp. Chủ nghĩa xã hội luôn luôn
hi vọng rằng tầng lớp trung lưu cũ sẽ nhanh chóng biến mất mà hoàn toàn
không đếm xỉa đến sự ra đời của giai cấp trung lưu mới, đấy là đội quân
đông đảo các nhân viên văn phòng, nhân viên đánh máy, nhân viên hành
chính và giáo viên, người bán hàng và các quan chức cấp thấp, cũng như
đại diện của những người có tay nghề thấp thuộc rất nhiều nghề nghiệp
khác nhau. Trong một giai đoạn nào đó giai cấp này đã cung cấp nhiều lãnh
tụ cho phong trào công nhân. Nhưng khi càng ngày người ta càng thấy rõ
rằng địa vị của giai cấp này đang xấu đi so với địa vị của giai cấp công
nhân công nghiệp thì lí tưởng của phong trào công nhân sẽ không còn cuốn
hút được họ nữa. Và mặc dù họ vẫn là những người xã hội chủ nghĩa, theo
nghĩa là họ bất mãn với hệ thống tư bản chủ nghĩa và đòi phải phân phối
của cải vật chất phù hợp với quan điểm của mình về lẽ công bằng, nhưng
hóa ra quan điểm của họ hoàn toàn không giống với quan điểm mà các
đảng xã hội chủ nghĩa cũ đã áp dụng trong thực tiễn.
Các công cụ mà những đảng xã hội chủ nghĩa kiểu cũ đã áp dụng một
cách thành công nhằm bảo đảm sự ủng hộ của một nhóm nghề nghiệp - tức
là cải thiện hoàn cảnh kinh tế của nhóm người này - hóa ra là không còn
phù hợp, nếu họ muốn tất cả mọi người ủng hộ. Vì vậy, nhất định sẽ xuất
hiện các đảng và các phong trào xã hội chủ nghĩa cạnh tranh nhau, sẽ xuất
hiện các phong trào thể hiện quyền lợi của những giai tầng bị thiệt thòi đó.
Lời khẳng định tương đối thịnh hành rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa
xã hội quốc gia là những biến thể của chủ nghĩa xã hội dành cho giai cấp
trung lưu chứa đựng khá nhiều sự thật, chỉ có điều là ở Ý và ở Đức các
phong trào này giành được sự ủng hộ của tầng lớp xã hội không còn là
trung lưu nữa. Trên thực tế, đây là cuộc bạo loạn của một giai cấp mới, giai
cấp bị tước đoạt đặc quyền đặc lợi nhằm chống lại tầng lớp quí tộc trong
giai cấp công nhân, chính phong trào lao động trong lĩnh vực công nghiệp
đã tạo ra cuộc nổi loạn này.