quyết đòi hỏi người ta phải có nhiều đồng thuận hơn. Họ không còn ảo
tưởng về khả năng xác định nhu cầu tương đối của từng cá nhân hay các
nhóm làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, cũng như không còn tin rằng
nguyên tắc công bằng có thể đưa ra đáp án được nữa. Họ biết rằng nhóm
mạnh nhất, tức nhóm đủ sức tập hợp những ủng hộ viên của một trật tự xã
hội thứ bậc mới và hứa với những giai cấp mà nó dựa vào một số đặc
quyền đặc lợi, sẽ có nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ của những người
đã thất vọng vì đã bị hứa hẹn về công bằng nhưng rốt cuộc nhận ra rằng cố
gắng của họ chỉ đem lại quyền lợi cho một giai tầng nhất định mà thôi. Chủ
nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã đã thành công trước hết là vì lí thuyết
hay cái Weltangschauung mà chúng đưa ra đã hứa cho những người ủng hộ
một số đặc quyền đặc lợi.
Chú thích:
Có thể là chúng ta đã quen đánh giá quá cao ý nghĩa của thu nhập từ
sở hữu, đã coi nó là nguyên nhân chủ yếu của bất bình đẳng, và do đó cho
rằng bãi bỏ thu nhập từ sở hữu sẽ là biện pháp bảo đảm cho sự bình đẳng.
Một số thông tin ít ỏi mà chúng ta có về phân phối thu nhập ở nước Nga lại
không cho phép chúng ta khẳng định rằng sự bất bình đẳng ở đó đã được
thu hẹp hơn so với các nước tư bản chủ nghĩa. Max Eastman đã đưa ra một
số thông tin từ những nguồn chính thức của Liên Xô (The End of Socialism
in Russia (Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội ở Nga), 1937. trang 30-34)
chứng tỏ rằng tỉ lệ giữa mức lương cao nhất và mức lương thấp nhất ở Nga
cũng tương đương như ở Mỹ (khoảng 50:1). Còn James Burnham (The
Managerial Revolution - Cuộc cách mạng về quản lí; 1941. trang 43) thì
trích dẫn một bài báo của Trotsky (1939), trong đó nói rằng “tầng lớp chóp
bu ở Liên Xô, chỉ có 11-12% dân số nhưng đã chiếm tới gần 50% thu nhập
quốc dân. Như vậy là sự cách biệt còn cao hơn cả Mỹ, tại đây 10% dân số
chiếm khoảng 35% thu nhập quốc dân”.
Eastman Max, Reader’s Digest, July, 1941, p. 39.
Đây là lời của chàng trai Disraeli.