IX. An toàn và Tự do
Cả xã hội sẽ biến thành một cơ quan duy nhất, một nhà máy duy nhất, mọi người cùng
làm việc như nhau và cùng được trả lương như nhau.
V. I. Lenin, 1917
Trong một quốc gia, nơi nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập nghĩa
là chết dần chết mòn. Nguyên tắc cũ: Ai không làm thì không có ăn đã được thay bằng
nguyên tắc mới: Ai không tuân phục thì không được ăn.
Leon Trotsky, 1937
Giống như thứ “tự do kinh tế” giả mạo đã nói đến bên trên, sự an toàn về
kinh tế cũng thường được và có nhiều cơ sở hơn để coi là điều kiện tối cần
thiết nếu muốn có tự do thực sự. Theo một nghĩa nào đó thì điều đó vừa
đúng lại vừa quan trọng nữa. Những người không tự tin rằng họ có thể tự
nuôi sống được mình thường không có tư duy độc lập và không có cá tính
mạnh. Nhưng thực ra khái niệm an toàn về kinh tế, cũng như đa số các khái
niệm khác trong lĩnh vực này, là một khái niệm mơ hồ và khá tù mù. Vì
vậy, coi nó là điều kiện tối cần thiết là việc làm nguy hiểm đối với tự do.
Trên thực tế, khi sự an toàn về kinh tế được hiểu theo nghĩa tuyệt đối thì
việc mọi người cùng phấn đấu để đạt cho bằng được một sự an toàn như thế
chẳng những không làm gia tăng cơ hội được tự do mà còn là mối đe dọa
nghiêm trọng đối với tự do nữa.
Cần phải phân biệt ngay từ đầu hai loại an toàn: loại an toàn có giới hạn,
có thể đạt được cho tất cả mọi người và vì vậy không phải là đặc ân mà là
yêu cầu chính đáng của mỗi thành viên trong xã hội và loại an toàn tuyệt
đối mà xã hội tự do không thể bảo đảm cho tất cả mọi người và không được
coi như một đặc quyền đặc lợi, trừ những trường hợp đặc biệt, thí dụ như
những bảo đảm cần thiết cho sự độc lập của các quan tòa, những bảo đảm
như thế đóng vai trò quan trọng nhất đối với hoạt động của họ. Hai loại an
toàn, loại thứ nhất, bảo đảm để người ta không lâm vào hoàn cảnh thiếu
thốn quá mức, bảo đảm một mức sống tối thiểu cho tất cả mọi người; và