cách đầy khiêu khích. Nền độc lập của các dân tộc nhỏ bé có thể có ý nghĩa
nào đó đối với một người tự do theo tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, nhưng lại
chẳng có ý nghĩa gì đối với những người theo chủ nghĩa tập thể như họ.
Bên tai tôi vẫn văng vẳng lời giải thích của Sidney Webb rằng tương lai
thuộc về các nước lớn, nơi các viên chức sẽ cai trị, còn cảnh sát sẽ giữ trật
tự”. Ở một chỗ khác, Halévy còn dẫn lại lời nói của B. Shaw, cũng nói về
khoảng thời gian đó: “Thế giới nhất định thuộc về các nước lớn và mạnh;
các nước nhỏ không nên thò đầu qua biên giới kẻo sẽ bị bóp chết đấy
”.
Tôi đã trích dẫn một đoạn dài, nếu đấy là phát biểu của những bậc tiền
bối người Đức của chủ nghĩa xã hội quốc gia thì sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên
vì nó là thí dụ điển hình của thái độ tôn thờ quyền lực, một thái độ dễ dàng
đưa người ta từ chủ nghĩa xã hội chuyển sang chủ nghĩa dân tộc và có ảnh
hưởng sâu sắc đến quan điểm đạo đức của những người theo chủ nghĩa tập
thể. Nói đến quyền của các dân tộc nhỏ thì quan điểm của Marx và Engels
cũng chẳng khác gì quan điểm của những người theo chủ nghĩa tập thể
khác, những lời phát biểu của họ về người Czech và người Ba Lan giống
hệt như những gì mà các đảng viên xã hội chủ nghĩa quốc gia hiện nay
đang nói
.
* * *
Nếu đối với các triết gia cá nhân chủ nghĩa vĩ đại thế kỉ XIX, bắt đầu từ
Lord Acton và Jacob Burckhardt và đến những người xã hội chủ nghĩa
đương đại, như Bertrand Russell, những người kế thừa các truyền thống
của chủ nghĩa tự do, quyền lực là cái ác tuyệt đối, thì đối với những người
theo chủ nghĩa tập thể thuần thành, quyền lực lại là mục đích tự thân, vấn
đề không chỉ là, như Russell đã chỉ rõ, bản thân ước muốn tổ chức đời sống
xã hội theo một kế hoạch duy nhất bắt nguồn từ khát vọng quyền lực
.
Điều quan trọng hơn là, để đạt được mục tiêu, những người theo chủ nghĩa
tập thể phải tạo ra quyền lực - thứ quyền lực do con người áp đặt lên con
người - với sức mạnh chưa từng được biết đến trước đây, thành công của họ
phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.