XII. Cội nguồn tư tưởng của chủ nghĩa phát xít
Tất cả các lực lượng chống tự do đang tập hợp lại để chống đối mọi hiểu hiện của tự
do.
A. Moeller Van Den Bruck
Nhiều người đã lầm khi cho rằng chủ nghĩa quốc xã chỉ là một vụ nổi
loạn chống lại lí trí, là phong trào phi lí tính, không có một căn bản trí tuệ
nào. Nếu quả vậy thì nó đã không nguy hiểm đến như thế. Nhưng đấy là
quan điểm sai lầm và hoàn toàn thiếu căn cứ. Học thuyết của chủ nghĩa
quốc xã là đỉnh điểm của một quá trình tiến hóa tư tưởng kéo dài, trong đó
có sự đóng góp của các nhà tư tưởng có ảnh hưởng vượt rất xa bên ngoài
ranh giới nước Đức. Dù ta có nghĩ như thế nào về tiền đề của nó thì ta cũng
không thể phủ nhận sự kiện là tác giả của học thuyết này vốn là những
người cầm bút có uy tín, những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong toàn
bộ tiến trình tư tưởng của châu Âu. Họ đã xây dựng hệ thống của mình một
cách nhất quán và liên tục. Khi ta đã chấp nhận các tiền đề của nó thì ta
không thể nào thoát ra ngoài logic của nó được nữa. Đấy đơn giản là chủ
nghĩa tập thể đã được giải thoát khỏi mọi vết tích của truyền thống cá nhân
chủ nghĩa, tức là giải thoát khỏi những điều có thể cản trở việc đưa nó vào
thực tế.
Mặc dù các nhà tư tưởng Đức đã giữ vai trò quan trọng nhất, nhưng họ
không phải là những người đơn độc. Thomas Carlyle và Houston Stewart
Chamberlain, August Comte và George Sorel có vai trò không kém bất cứ
người Đức nào. R. D. Butler đã làm rõ sự phát triển của luồng tư tưởng này
trong tác phẩm The root of National Socialism (Gốc rễ xã hội chủ nghĩa của
chủ nghĩa quốc xã) vừa được công bố mới đây của ông. Tác phẩm đưa ra
kết luận rằng trong một trăm năm mươi năm qua xu hướng này vẫn có hình
thức không thay đổi và thường tái phát một cách đáng lo ngại, song ý nghĩa
của nó cho đến năm 1914 thì đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Lúc đó
nó chỉ là một trong những luồng tư tưởng trong một đất nước có thể là có
nhiều quan điểm khác nhau hơn bất kì quốc gia nào khác. Rất ít người chia