IlI. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể
Những người xã hội chủ nghĩa tin vào hai điều hoàn toàn khác nhau, và có lẽ là không
thể dung hòa với nhau, tức là tin vào tự do và tổ chức.
Élie Halévy
Trước khi tiếp tục cuộc hành trình, cần phải dỡ bỏ một trở ngại, tức là dỡ
bỏ sự ngộ nhận vốn đóng vai trò chính yếu trong việc để xảy ra những sự
kiện mà tất cả mọi người đều chẳng thích thú gì. Sự ngộ nhận này liên quan
đến chính khái niệm xã hội chủ nghĩa. Từ này thường được sử dụng để mô
tả những lí tưởng về công bằng xã hội, về mức độ bình đẳng cao hơn và sự
an toàn, tức là các mục đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Nhưng nó còn
có nghĩa là một số biện pháp đặc biệt, phần lớn những người xã hội chủ
nghĩa hi vọng sẽ dùng các biện pháp đó cho cuộc đấu tranh vì các mục tiêu
nêu trên, và những người có học vấn cao còn cho rằng chỉ có dùng các biện
pháp đó thì các mục tiêu nêu trên mới có thể đạt được một cách trọn vẹn và
mau chóng. Theo đó, chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với việc bãi bỏ việc kinh
doanh cá thể, bãi bỏ sở hữu tư nhân đối với phương tiện sản xuất và thiết
lập nền “kinh tế kế hoạch hóa”, trong đó các cơ quan lập kế hoạch trung
ương sẽ thay thế các doanh nhân, những người chỉ làm vì mục tiêu lợi
nhuận.
Có nhiều người tự nhận là xã hội chủ nghĩa lại chỉ hiểu nghĩa thứ nhất
của thuật ngữ, tức là họ thực sự tin rằng cần phải đạt được những mục đích
cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, nhưng không để ý hoặc không hiểu phải
làm như thế nào; đồng thời còn có những người tin tưởng chắc chắn rằng
phải đạt bằng được các mục tiêu như thế bằng bất cứ giá nào. Nhưng đối
với phần lớn những người mà chủ nghĩa xã hội không chỉ có nghĩa là niềm
hi vọng mà còn là lĩnh vực hoạt động chính trị thì các biện pháp đặc trưng
của chủ nghĩa xã hội cũng quan trọng chẳng kém gì mục tiêu. Mặt khác lại
có những người tin vào mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chẳng khác gì các
nhà xã hội chủ nghĩa, nhưng lại không ủng hộ chủ nghĩa xã hội vì cho rằng
các biện pháp mà các nhà xã hội chủ nghĩa áp dụng đe dọa những giá trị