trung dung giữa cạnh tranh “cá thể” và kế hoạch hóa tập trung. Mới nhìn thì
đấy là quan điểm hấp dẫn và thông minh. Đúng là có lẽ không nên đòi hỏi
phi tập trung hóa và cạnh tranh tuyệt đối, cũng đừng nên tập trung hóa và
kế hoạch hóa hết tất cả mọi thứ, mà là sự kết hợp một cách thông minh cả
hai phương pháp. Nhưng hóa ra trong trường hợp này lương tri chỉ là một
cố vấn tồi. Mặc dù cạnh tranh có thể chấp nhận một sự điều tiết nào đó,
nhưng không thể kết hợp nó với kế hoạch hóa mà không làm giảm hiệu quả
của nó trong việc dẫn dắt quá trình sản xuất. Đến lượt mình, “kế hoạch
hóa” cũng không phải là một thứ thuốc có thể chữa được bệnh bằng liều
lượng nhỏ. Sử dụng dưới dạng cắt xén thì cả cạnh tranh lẫn kế hoạch hóa
đều sẽ mất hiệu lực vốn có của chúng. Đây là những phương án mà ta có
thể lựa chọn để giải quyết cùng một vấn đề, áp dụng cả hai cùng một lúc sẽ
dẫn đến thiệt hại, nghĩa là dẫn đến các kết quả đáng buồn hơn là chỉ áp
dụng một cách nhất quán một trong hai nguyên tắc nói trên. Nói cách khác,
có thể kết hợp giữa kế hoạch hóa và cạnh tranh để lập kế hoạch hỗ trợ cạnh
tranh chứ không phải lập kế hoạch chống cạnh tranh.
Xin độc giả luôn luôn nhớ rằng kế hoạch hóa mà chúng ta phê phán
trong cuốn sách này trước hết và chỉ là kế hoạch hóa nhằm chống lại cạnh
tranh, kế hoạch hóa thay thế cạnh tranh. Điều này càng đặc biệt quan trọng
vì chúng ta không thể thảo luận sâu ở đây một vấn đề kế hoạch hóa khác,
tức là kế hoạch hóa nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Vì trong giai đoạn
hiện nay thuật ngữ “kế hoạch hóa” gần như hoàn toàn được sử dụng theo
nghĩa thứ nhất, để cho ngắn gọn chúng ta sẽ nói đơn giản là “kế hoạch hóa”
và thậm chí như thế có nghĩa là nhường cho các đối thủ của chúng ta một
thuật ngữ rất hay, một từ đáng được hưởng một số phận tốt đẹp hơn.
Chú thích:
Trích từ nhận xét của Adam Smith năm 1755, được Dugald Stewart
dẫn lại trong tác phẩm Memoir of Adam Smith.
Sự thật là gần đây một số học giả xã hội chủ nghĩa, vì bị phê phán và
lo sợ rằng trong xã hội mà mọi thứ đều theo kế hoạch sẽ không còn tự do,