giúp đỡ của nhà nước, người ta đã tiến hành một thí nghiệm vĩ đại đầu tiên
trong việc “lập kế hoạch một cách khoa học” và “tổ chức có chủ ý nền công
nghiệp” dẫn đến việc hình thành các công ty độc quyền vô cùng to lớn, các
công ty này được coi là sự phát triển tất yếu của nền kinh tế năm mươi năm
trước khi những việc như thế được thực hiện ở Anh. Luận điểm về sự
chuyển hóa tất yếu của hệ thống kinh tế dựa trên cạnh tranh sang “chủ
nghĩa tư bản độc quyền” được các nhà xã hội chủ nghĩa Đức mà trước hết
là Sombart đưa ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm nước mình rồi sau đó
truyền bá ra toàn thế giới. Ở Mỹ, nơi chính sách bảo hộ của chính phủ thể
hiện rất rõ, sự phát triển cũng diễn ra tương tự, dường như khẳng định luận
điểm này. Nhưng Đức chứ không phải Mỹ được coi là xu hướng phát triển
mang tính toàn cầu điển hình của chủ nghĩa tư bản và đương nhiên là có thể
nói - xin trích dẫn một tiểu luận thời trước chiến tranh được nhiều người
đọc - “Đức là nước mà tất cả các lực lượng chính trị và xã hội của nền văn
minh hiện đại đã đạt được mức độ phát triển nhất
Theo dõi sự phát triển ở Anh trước và sau năm 1931, tức là từ khi đất
nước chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, sẽ cho chúng ta thấy tính tất yếu đóng
góp chẳng bao nhiêu mà kết quả chủ yếu là do chính sách có chủ ý của
chính phủ. Khoảng mười hai năm trước đây nền công nghiệp Anh, trừ một
vài ngành đã nằm dưới sự bảo trợ của chính phủ, đã có sức cạnh tranh, có
thể nói, chưa từng có trong lịch sử. Và mặc dù trong những năm 1920 đã bị
khốn đốn vì hậu quả của hai chương trình, tiền tệ tín dụng và điều tiết
lương, trái ngược nhau, nhưng suốt trong giai đoạn này, ít nhất là đến năm
1929, tỉ lệ người có việc làm và hoạt động kinh tế không hề kém hơn những
năm 1930. Chỉ từ khi quay sang bảo hộ và những thay đổi khác kèm theo
trong chính sách kinh tế thì các công ty độc quyền mới có bước phát triển
nhanh đến chóng mặt và đã biến đổi nền công nghiệp Anh đến mức đa số
dân chúng còn chưa nhận thức được. Khẳng định rằng các sự kiện này phụ
thuộc, trong chừng mực nào đó, vào sự tiến bộ kĩ thuật diễn ra trong cùng
thời kì, khẳng định rằng “cái tất yếu” từng xảy ra ở Đức hồi những năm
1880-1890 và bây giờ bỗng xuất hiện ở Anh thì cũng lố bịch chẳng khác gì