hợp với hoạt động của các doanh nhân khác. Điều quan trọng là chức năng
của hệ thống giá cả chỉ thể hiện một cách trọn vẹn trong điều kiện cạnh
tranh, nghĩa là trong trường hợp từng doanh nhân phải thích ứng với sự
biến đổi của giá cả nhưng không thể kiểm soát được nó. Cái toàn thể càng
phức tạp thì chúng ta càng phụ thuộc vào sự phân hữu trí thức giữa các cá
nhân, những cố gắng riêng lẻ của các cá nhân như thế chỉ có thể được điều
phối bởi một hệ thống truyền tải thông tin phi cá tính có tên là giá cả.
Không hề phóng đại khi nói rằng nếu chúng ta phải dựa vào kế hoạch
hóa tập trung để phát triển thì hệ thống công nghiệp không thể nào đạt được
mức độ đa dạng, phức tạp và uyển chuyển như hiện nay. So với phương
pháp giải quyết các vấn đề kinh tế một cách phi tập trung cộng với việc
điều phối tự động thì phương pháp quản lí tập trung tỏ ra vụng về, thô thiển
và có tầm hoạt động giới hạn đến khó tin. Việc phân công lao động xã hội
đã đạt đến mức làm cho sự tồn tại của nền văn minh hiện đại trở thành khả
dĩ, đấy chính là do nó đã không được lập kế hoạch một cách có chủ ý mà
được xây dựng bằng phương pháp trái ngược hẳn với kế hoạch hóa. Vì vậy
mà hệ thống này càng phức tạp thì càng không cần có lãnh đạo tập trung,
chúng ta càng cần phải sử dụng những biện pháp không lệ thuộc vào sự
kiểm soát có chủ đích.
* * *
Còn có một lí thuyết gán sự phát triển của các công ty độc quyền với tiến
bộ kĩ thuật mà lí lẽ trái ngược hoàn toàn với những lí lẽ mà chúng ta vừa
xem xét. Mặc dù lí thuyết này thường được trình bày một cách mù mờ
nhưng nó cũng có ảnh hưởng đáng kể. Luận điểm chủ yếu của nó không
phải là sự phát triển của công nghệ sẽ loại bỏ cạnh tranh mà ngược lại là
chúng ta sẽ không thể áp dụng được kĩ thuật hiện đại nếu không có những
biện pháp chống lại cạnh tranh, nghĩa là thiết lập độc quyền. Lí thuyết này
không hẳn là bịp bợm, như những độc giả có óc phê phán có thể nghĩ: nếu
kĩ thuật mới thực sự là hiệu quả thì nhất định nó sẽ đứng vững trước mọi
thách thức cạnh tranh. Nhưng hóa ra có những thí dụ mà nói như thế có vẻ
không xuôi. Thực ra các tác giả liên quan thường cố tình khái quát hóa các