Đôi khi, vào buổi tối, chúng tôi đùa nghịch đuổi nhau như những trẻ con
khắp chung quanh làng, rồi cùng chạy vụt ra con đường cái, cùng cười
ngất. Thế nào người ta cũng cho là hai đứa chúng tôi hơi khùng và thiếu tư
cách. Ngoài tiếng ồn ào cười nói, tiếng rao hàng, ta còn nghe tiếng nước
chảy róc rách dưới chân cầu. Ta còn nghe thấy cả tiếng chuông chùa, tiếng
trống văng vẳng trong các tuần cúng trăng. Cũng có cả cái giọng the thé
của các cây kèn đồng vào lúc chiều tà...
Vào những ngày trăng đầy, ta nghe thấy tiếng chuông chùa đổ vào lúc nửa
đêm và lúc bình minh- chậm rãi, thật chậm rãi. Rồi, bắt nhịp với tiếng
trống, tiếng chuông đổ liên hồi lẫn với giọng tụng kinh lầm rầm của hàng
trăm người. Các người đi lễ, đàn ông, đàn bà đi từ bàn thờ này sang bàn thờ
kia để khấn khứa. Trước mỗi bức tượng họ lại cắm hai ba cây nhang nghi
ngút cháy. Cửa chùa rộng mở chào đón tất cả mọi người. Pao và tôi thường
tản bộ hàng giờ trên các sân chùa.
Ngày nào chùa cũng đầy người cúng vái hoặc ngắm cảnh. Tại Trung-Hoa
chùa chiềng vừa là nơi thờ phượng vừa là nơi giải trí. Trên đại điện, khói
hương mờ mịt, các nhà sư đang ê a đọc và giảng các quẻ sâm cho các thiện
nam tín nữ, người khác đang quỳ trước các tượng Phật đốt nhang, lần tràng.
Phía ngoài, những người đi ngắm cảnh dạo trên những dẫy sàn lát đá vàn,
ngắm nghía hàng lan can trạm trổ. Mỗi cây cột được đặt trên cái bệ hình
bông sen trắng muốt và những phiến đá ngăn đều được trạm trổ đủ các hình
thù: mây, nước, đá, cây, hổ báo, những chú nai hiền lành sợ sệt, những chú
ngựa đang khom chân dậm, những con kỳ lân đang phì lửa, thôi thì đủ loại
muông thú như trong một cuốn sách hình.
Chúng tôi đã thành tín đồ trung thành của cái vẻ đẹp và không khí yên tịnh
của ngôi chùa này. Trước khi bình minh ló dạng, chúng tôi thường đến đây,
ngồi xếp bằng trên sân đá trước đại điện, đắm mình suy tưởng...
Đó là giờ tụng kinh buổi sáng, các nhà sư mặc áo cà sa xám, xếp hàng một
đi dọc theo dẫy cửa tò vò. Hàng nến bập bùng trên các bàn thờ, trước các