anh ta. Không thấy Phu-Quang-Tỷ đâu. Lúc nẫy Vũ-Liên thấy anh ta chạy
trên con đường đất, lúi húi như một chú thỏ nhát nhúa. Chúng tôi vừa tiến
theo phía ấy vừa gọi tên anh ta. Ở góc đường có một căn chòi vách đất mái
lá, chắc do mấy người dân ở đây dựng lên cho khách thập phương trú mưa
nắng. Trước khi tới nơi, chúng tôi đã thấy gió thổi vù vù, đúng là cái lý do
hiển nhiên để dựng căn chòi này. Phu-Quang-Tỷ hiện ra nơi cửa, mặt mày
xanh lét như tầu lá và đang cầm chiếc khăn tay bằng lụa trắng bịt mũi. Anh
ta dọ dẫm đi về hướng chúng tôi. Chúng tôi phá lên cười. Anh ta bỏ chiếc
khăn tay xuống lườm chúng tôi giận dữ:
- Tôi không thấy gì đáng cười cả. Trước một vấn đề sống chết mà còn làm
bộ làm tịch là ngu xuẩn. Nếu chúng ta bị dội bom, những ngọn cỏ cao kia
không ngăn được miểng bom, trong khi bức vách dầy của căn chòi này...
Và mấy người cũng không cần phải gào tên tôi lên như thế. Tôi nghe thấy
mấy người ngay từ đầu, nhưng vì chưa chắc là cuộc oanh tạc đã dứt nên tôi
chưa trả lời. Không khí trong đó cũng có phần... ngộp.
Chúng tôi cười muốn xỉu được. Đã hẳn đây không phải là cái cười tế nhị;
nhưng khi ta vừa thấy tử thần bay ngang đầu dưới ánh sáng lấp lánh của
mấy cánh kim khí, cảm tình của chúng ta thế nào cũng có phần bị lệch lạc
và dễ bị xúc động vì một lý do không đâu. Đột nhiên chúng tôi cùng trở lại
nghiêm trọng.
Từ tuốt trên cao như chỗ chúng tôi đang đứng, không thể nào ước lượng
được tầm mức quan trọng của cuộc oanh tạc. Khói và bụi bốc lên mù mịt-
từ lúc bom nổ cho đến bây giờ chưa đến mười phút- che khuất hết mọi vật.
Chúng tôi vội vàng xuống núi không kịp dừng lại để mà thở nữa và một giờ
sau, chúng tôi đã xuống đến sườn đồi ngay trên đầu làng. Tiếng người ồn
ào huyên náo hơn một đàn ông vỡ tổ bay lên tận chỗ chúng tôi và lẫn trong
đó là tiếng kêu gào thảm thiết thê lương. Chúng tôi nhìn sững vào làng.
- Không! Tôi thảng thốt kêu lên! Không! Không!