Tháng chín rồi tháng mười. Các cuộc oanh tạc thưa dần. Trời thường mưa
luôn. Nhà chúng tôi thoát nạn dội bom, cả mấy khung cửa kính cũng vậy, vì
tôi luôn luôn để cửa sổ mở trong các cuộc oanh tạc. Pao và An-Tôn quét
vôi lại mấy bức tường loang lổ. Chúng tôi có một tấm thảm mầu rượu vang
trên sàn nhà, một ít sách trên cái kệ tre, ít quần áo trong tủ và vài cái màn
che trên cửa sổ. Một chiếc bát sứ xanh lớn dựng vài bông hoa lan mầu xanh
nhạt và mấy bông hải đường mầu hồng tươi. Tôi rất kiểu hãnh với mấy
món này. Chúng chẳng có chút giá trị gì. Chỉ là những món đồ xấu, nhưng
tôi đã thu nhặt chúng suốt cả mùa hè, tôi đã lau chùi, đã tốn công với
chúng. Tôi đã biến chúng thành vật trang hoàng cho một tổ ấm. Chúng trở
thành tư hữu của tôi và vô cùng quý giá. Mỗi khi đi trú bom tôi đều mở cửa
sổ. Tôi liếc mắt giã từ. Mỗi khi chúng tôi về nhà và nếu mọi vật còn y
nguyên như lúc ra đi, tất cả như thể tôi lại vừa được chúng, mới nguyên.
Tôi yêu mến những vật ấy và thấy chúng mỗi ngày một đẹp thêm vì tôi sẽ
có thể mất chúng.
Đến cuối mùa Hạ, Trùng-Khánh trông giống y như thành phố Pompei.
Không phải là một Pompei huy hoàng khởi sắc mà là một Pompei xám
ngắt, tan hoang, bụi bậm, đổ nát và ngập mùi tro tàn và chết chóc. Nhưng
người đã khai thông các đại lộ và khắp nơi đã mọc lên các cửa hàng mới,
các căn nhà gỗ mỏng manh với các lớp vôi vữa sơn xanh, đỏ: thêm nhiều
tiệm ăn, nhiều hàng tạp hóa. Các rạp hát và chớp bóng đều đông nghẹt.
Buổi sáng, hơi sương đọng lại trên cỏ lâu hơn. Ngày lên muộn hơn và
thường bao phủ trong một lớp sương mù trắng đục và dầy đặc như nước
cháo. Khi sương mù tan đi, chúng tôi thấy từ từ hiện ra những bóng nhà
xám nhạt, đường vòng của một ngọn đồi, rồi các đám lá cây xanh, bãi cát
vàng, giòng sông xẫm màu nâu đục và đường viền rõ ràng, xa xăm của
những dẫy núi mầu xanh ngát. Mùa Hạ đã qua, các báo đều chạy tít lớn
loan tin Luân-Đôn bị dội bom; ở dưới trang, với hàng chữ nhỏ hơn, báo
nhắc đến việc các khu ngoại ô Trùng-Khánh vẫn còn bị dội bom. Một cơn